Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán quay lại chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (8/1).
Đáng chú ý là nhóm nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt đà suy yếu khi có 7 trên 9 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Bên cạnh đó, sắc đỏ cũng áp đảo trên bảng giá nhóm nông sản với nhiều mặt hàng như lúa mỳ, ngô, đậu tương cùng đi xuống. Kết phiên, chỉ số MXV-Index rơi nhẹ 0,66% xuống 2.214 điểm.
Giá càphê gặp áp lực trước tín hiệu lạc quan về nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, ngoại trừ hai mặt hàng cao su, giá tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đều giảm. Trong đó, giá càphê Robusta và Arabica đều giảm hơn 1% khi thị trường đón nhận những thông tin tích cực về nguồn cung.
Cụ thể, theo báo cáo của Embrapa Coffee, trong vòng một năm tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, tổng sản lượng càphê thế giới đạt 178 triệu bao, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước.
Càphê Arabica đạt 102,2 triệu bao, chiếm 57,41% tổng sản lượng; càphê Robusta đạt 75,8 triệu bao, tương ứng với 42,59% thị phần.
Năm 2024, riêng sản lượng càphê tại Colombia, quốc gia sản xuất càphê Arabica lớn thứ hai trên thế giới ước tính tăng năm thứ hai liên tiếp do tình hình thời tiết thuận lợi tại các khu vực trồng càphê trọng điểm.
Theo số liệu do Liên đoàn càphê Colombia (FNC) công bố hôm qua, tổng sản lượng càphê của nước này đạt 13,9 triệu bao loại 60kg, tăng 23% so với năm 2023 và cao hơn 300.000 bao so với dự báo trước đó.
Về xuất khẩu, cả năm 2024, Colombia đã xuất khẩu 12,3 triệu bao loại 60kg, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 12, FNC cho biết sản lượng càphê của Colombia đạt 1,79 triệu bao loại 60kg, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt 1,28 triệu bao loại 60kg, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường nội địa, giá càphê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (9/1) ghi nhận ở mức 120.000-121.000 đồng/kg, giá giảm 600-1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá càphê đã tăng gần gấp đôi.
Trong một diễn biến tương tự, giá bông hợp đồng tháng 3 giảm 0,41% do chịu áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD. Chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền ngoại tệ mạnh khác, chốt phiên hôm qua tăng 0,5% lên 109,09 điểm, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh hai năm. Đồng USD tăng giá làm tăng chi phí đầu tư đối với nhà đầu tư nắm giữ các tiền tệ khác. Đồng thời, USD mạnh hơn cũng làm giảm sức cạnh tranh của bông Mỹ, qua đó làm giảm lực mua trên thị trường.
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá nông sản
Theo MXV, khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ bao phủ bảng giá nhóm nông sản. Đáng chú ý, giá lúa mỳ Chicago dẫn dắt đà giảm cả nhóm sau khi đánh mất 1,15% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch về 197 USD/tấn. Nguyên nhân chính gây sức ép lên giá trong phiên hôm qua là sự mạnh lên của đồng USD.
Đồng USD mạnh lên đã làm giảm sức mua và nhu cầu, từ đó gây áp lực giảm giá, đồng thời làm lúa mỳ Mỹ trở nên kém hấp dẫn so với các đối thủ từ những quốc gia có đồng tiền yếu hơn, làm suy yếu khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tương tự, giá ngô cũng giảm 0,87%, về mức 178,7 USD/tấn, do chịu chung tác động từ đồng USD mạnh lên. Khi đồng bạc xanh tăng giá, sức cạnh tranh của ngũ cốc Bắc Mỹ trên thị trường toàn cầu bị suy giảm, khiến giá cả chịu áp lực.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ yếu, đặc biệt từ các khách hàng lớn như Trung Quốc, càng làm trầm trọng thêm tình hình. Trung Quốc, vốn là một trong những nhà nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu, hiện vẫn duy trì sự im ắng trong các giao dịch, góp phần đẩy thị trường ngô vào trạng thái ảm đạm.
Không những vậy, Rafael Silveira, nhà phân tích tại Safras & Mercado, cũng nhấn mạnh rằng thị trường đang đi ngang trong tuần này chờ công bố báo cáo mới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) vào thứ Sáu tới (10/1), củng cố số lượng thu hoạch ở Bắc Mỹ.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 8/1, giá chào ngô Nam Mỹ về các cảng nước ta chưa có nhiều thay đổi. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào ngô kỳ hạn giao tháng 1/2025 và tháng 2/2025 dao động quanh mức 6.650 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán cao hơn 50 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu./.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục 62,4 tỷ USD trong năm 2024
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt tới 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023.