Ngày 10/1, hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều giảm; giá vàng cũng giảm do đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ mạnh lên; trong khi đó, giá dầu tăng thứ hai liên tiếp.
Chứng khoán châu Á phục hồi
Thị trường chứng khoán châu Á phục hồi đà giảm ghi nhận được từ đầu năm đến nay trong lúc nhà giao dịch chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và bắt đầu mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Tokyo đã nới rộng đà tăng lên chạm mức cao mới trong 34 năm do mức tăng trưởng lương chậm lại mà theo các nhà quan sát nhận định điều đó sẽ khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản khó có thể thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình. Chỉ số Nikkei 225 tăng 2% lên 34.441,72 điểm.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,8% xuống 16.053,82 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5% xuống 2.877,70 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Manila, Mumbai, Wellington và Bangkok cũng đều giảm.
Tâm lý bất an đã lan khắp các sàn giao dịch trong tuần trước khi các nhà giao dịch cho rằng họ đã quá vội vàng vào cuối năm 2023 khi đoán định Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách công bố mới đây của Fed và báo cáo việc làm vượt dự báo buộc các nhà giao dịch phải đánh giá lại tình hình.
Các nhà phân tích cho hay số liệu về chỉ số giá tiêu dùng trong tuần này sẽ rất quan trọng đối với diễn biến của thị trường trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ sắp bắt đầu vào cuối tháng này. Điều này có thể cung cấp một số thông tin về cách các công ty hoạt động trong môi trường lãi suất cao.
Giá vàng giảm trước lúc công bố số liệu lạm phát của Mỹ
Giá vàng châu Á giảm trong phiên ngày 10/1 do đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ mạnh lên trước lúc công bố số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, mà có thể cho thấy manh mối về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khoảng 14 giờ 03 phút, giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,2% xuống 2.024,90 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.030,60 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade cho hay sự ổn định của đồng USD và lợi suất trái phiếu trái ngược với những gì thị trường chứng đã chứng kiến vào cuối năm 2023. Điều này đã gây ra lực cản đáng kể cho giá vàng.
Chỉ số đồng USD đã tăng so với rổ tiền tệ chính và tăng 1,2% từ đầu tháng đến nay. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,0264%.
Các nhà giao dịch hiện đang tập trung vào báo cáo lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ, công bố ngày 10/1 (theo giờ địa phương). Thị trường dự đoán lạm phát chung sẽ tăng 0,2% trong tháng 12/2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia Waterer nhận định bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy số liệu kinh tế yếu kém đều có thể mang lại lợi ích cho giá vàng.
Một báo cáo chính thức của Mỹ tiết lộ rằng người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm, trong khi Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ dường như "đủ hạn chế".
Theo công cụ CME FedWatch, những người tham gia thị trường đang định giá khoảng 66% khả năng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, vàng giao ngay có thể thử nghiệm lại mức hỗ trợ 2.016 USD/ounce, việc phá vỡ dưới mức này có thể mở đường hướng tới mức 2.006 USD/ounce.
Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 22,87 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,2% xuống 927,88 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,1% lên 978,97 USD/ounce.
Giá dầu châu Á tăng phiên thứ hai liên tiếp
Giá dầu châu Á tăng phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 10/1 sau một báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, qua đó thúc đẩy niềm tin về nhu cầu.
Khoảng 14 giờ 24 phút, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 26 xu (0,3%) lên 77,85 USD/thùng còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 27 xu (0,4%) lên 72,51 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng khoảng 2% trong phiên trước đó do lo ngại về nguồn cung sau báo cáo thiếu hụt nguồn cung ở Libya và căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông. Các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ và nguy cơ hoạt động vận tải bị đình trệ cũng đã hỗ trợ giá dầu.
Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu từ Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 9/1 cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ đã giảm khoảng 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/1, so với mức ước tính tăng 500.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra.
Tuy nhiên, dự trữ xăng tăng khoảng 4,9 triệu thùng, còn dự trữ các chế phẩm từ dầu tăng 6,9 triệu thùng, nhiều hơn so với ước tính tăng lần lượt là 2,5 triệu thùng và 2,4 triệu thùng.
Số liệu về dự trữ xăng dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, cơ quan thống kê thuộc Bộ Năng lượng, dự kiến công bố lúc 22 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam./.
Sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2024
Báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2024 sẽ tăng 290.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 13,21 triệu thùng/ngày.