Thị trường hàng hóa châu Á đồng loạt đi lên sau quyết định lãi suất của Fed

Giá dầu, giá vàng và các chỉ số tại thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50%.

Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng sau dự báo lạc quan về nhu cầu

Giá dầu tăng trên thị trường châu Á phiên ngày 14/12, nới rộng đà tăng trong phiên trước đó do lượng dầu tại các kho dự trữ hàng tuần của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và triển vọng nhu cầu cải thiện sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh tín hiệu chi phí cho vay thấp hơn trong năm 2024.

Khoảng 13 giờ 58 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 41 xu Mỹ (0,55%) lên 74,67 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 32 xu Mỹ (0,46%) lên 69,79 USD/thùng.

Thị trường dầu đã tăng trong phiên trước đó do những lo ngại về an ninh nguồn cung ứng dầu ở Trung Đông sau khi một tàu chở dầu bị tấn công tại Biển Đỏ.

Nhà phân tích Tina Teng tại CMC Markets lưu ý giá dầu thô đã phục hồi trước cuộc họp của Fed và sự kiện này phần nào hỗ trợ cho đà tăng của dầu.

Lãi suất thấp làm giảm chi phí đi vay cho người tiêu dùng, qua đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.

Thông tin này cũng khiến đồng USD giảm phiên thứ ba liên tiếp xuống mức thấp của bốn tháng, giúp giá dầu rẻ hơn cho những người mua nước ngoài.

Bà Teng cho hay dự trữ dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến cũng đã hỗ trợ giá.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng sử dụng nhiều dầu từ kho dự trữ hơn dự kiến trong tuần kết thúc ngày 8/12 khi nhập khẩu giảm.

Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu dịu xuống cũng thúc đẩy thị trường sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng việc giá dầu đi xuống gần đây là do những “lo ngại thái quá” về tăng trưởng nhu cầu dầu.

Giá dầu Brent kỳ hạn đã giảm khoảng 10% kể từ khi OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, công bố đợt cắt giảm sản lượng mới hôm 30/11.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thận trọng về kho dự trữ nhiên liệu tăng trong tuần này tại Mỹ, dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu mùa Đông tại Mỹ suy yếu.

Chứng khoán châu Á nối gót đà tăng của phố Wall

Tâm lý lạc quan hầu hết bao trùm thị trường chứng khoán châu Á tăng trong phiên ngày 14/12 và đồng USD tiếp tục giảm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ẩn ý sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,1% lên 16.402,19 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 2.958,99 điểm do lo ngại về nền kinh tế trì trệ kéo dài.

Thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,7% xuống 32.686,25 điểm, chủ yếu do đồng yen mạnh lên. Đồng tiền này đã tăng khoảng 1,8% so với đồng USD hôm 13/12.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Manila, Bangkok, Mumbai và Jakarta cũng đều tăng.

Chứng khoán châu Á đã “theo chân” mức tăng kỷ lục trên phố Wall trong bối cảnh các nhà giao dịch hoan nghênh lập trường ôn hòa được mong chờ từ Fed khi lạm phát Mỹ giảm.

Sau hơn một năm tăng lãi suất, các nhà hoạch định chính sách đã thừa nhận đang giành chiến thắng trong cuộc chiến ngăn chặn giá tăng cao trong cuộc họp mới nhất, đồng thời thảo luận về thời điểm thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

Như dự kiến, Fed đã duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm, đồng thời cho biết quyết định này cho phép các nhà hoạch định chính sách xác định mức độ của bất kỳ biện pháp củng cố chính sách bổ sung nào có thể phù hợp.

Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần tới chắc chắn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư ngoại hối, mặc dù những đồn đoán gần đây cho rằng BoJ sẽ kết thúc chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã giảm dần trong những ngày gần đây.

Các nhà giao dịch Nhật Bản cũng đang theo dõi cuộc khủng hoảng chính trị đang gây áp lực cho Thủ tướng Fumio Kishida sau khi ba bộ trưởng từ chức vì vụ bê bối tham nhũng lớn.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 4,07 điểm (0,37%) xuống 1.110,13 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,19 điểm (0,52%) xuống 227,23 điểm.

Thị trường vàng châu Á

Tại thị trường vàng, giá vàng châu Á “neo” trên mốc 2.000 USD/ounce sau thông tin từ Fed.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,23% lên 2.030,99 USD/ounce, sau khi tăng 2,4% trong phiên 13/12.

Ngày 13/12 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 14/12 theo giờ Việt Nam, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50% và đưa ra tín hiệu cho biết giai đoạn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của cơ quan này có thể đã kết thúc và lãi suất sẽ giảm vào năm 2024.

Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt, giảm 0,6% sau phán quyết của Fed, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục nối dài đà thoái lui.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 73,3-74,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục