Tuần giao dịch đầu tiên trong tháng Bảy, thị trường chứng khoán biến động trong biên độ khá mạnh. VN-Index đóng cửa tăng ở mức 1.138,07 điểm và tăng 1,60% so với tuần trước. Ngược lại, HNX-Index giảm 0,66% và về mức 225,66 điểm.
Thị trường phân hóa
Diễn biến thị trường trong tuần, VN-Index tăng lên vùng kháng cự quanh 1.140 điểm trong hai phiên đầu tuần với thanh khoản thấp. Động thái này khiến áp lực bán quay trở lại và gia tăng đột ngột trong hai phiên sau đó. VN-Index lập tức lùi về vùng hỗ trợ 1.120 điểm. Đến khi đó, dòng tiền bất ngờ đổ vào thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần, giúp VN-Index mạnh mẽ lấy lại những gì đã mất trước đó.
Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho thấy mức thanh khoản trên HoSE đạt 77.623,64 tỷ đồng và giảm 6,3% so với tuần trước. Bên cạnh đó, thanh khoản sàn HNX cũng giảm 2,2% và đạt 8.061,59 đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại gia tăng tỷ trọng giao dịch. Theo đó, họ duy trì bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị bán ròng trong phiên cuối tuần đạt tới 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, họ cũng bán ròng trên HNX với giá trị gần 11 tỷ đồng.
[Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ]
Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin tích cực và kém tích cực đan xen. Chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) tháng Sáu đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng Năm, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Điều này cho thấy “sức khỏe” của khu vực sản xuất còn “khá yếu.” Tuy nhiên, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% trong năm nay và Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn (thể hiện chủ yếu thông qua hoạt động tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất).
Về giao dịch, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích SHS, cho biết điểm nhấn trong tuần là nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán. Trong đó, mã cổ phiếu VND giảm 6,4% về giá và ghi nhận khối lượng đột biến lên đến 105,8 triệu cổ phiếu phần và APS giảm 19,5%... Trái lại, các mã khác trong ngành vẫn có diễn biến khá tích cực, như VCI (+11,5%), VDS (+9,9%), MBS (+7%), BSI (+6,8%), BVS (+6,8%)...
Nhóm bất động sản đa phần đã bị bán ra với thanh khoản ở mức trung bình, trong đó mã CEO (-6,7%), L14 (-6,3%), NLG (-3,2%), NVL (-2,4%)... Ngoài ra, nhiều mã vẫn phục hồi tốt với thanh khoản cải thiện, như ITC (+6,3%), NHA (+5,7%), LGL (+4,9%), TDC (+3,5%)....
Ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su lại có diễn biến tích cực, như DTD (+13,1%), PHR (+9,9%), GVR (+9,5%), D2D (+8,6%), SZC (+7,5%)... Cùng với đó, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bán lẻ cũng có diễn biến tăng giá tích cực với thanh khoản đột biến, như DGW (+10,58%), PET (+6,7%), FRT (+5%), MWG (+5%)...
Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa hơn, tích cực nhất là SHB (+8%) trước thông tin bán vốn và chia cổ tức, NAB (+8%), LPB (+6,3%), VCB (+5%)... ngoài các mã điều chỉnh như NVB (-8,5%), EIB (-4,7%), TCB (-2,5%), ACB (-1,6%)...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2307 phiên cuối tuần tăng 9 điểm (+0,81%), thu hẹp mức chênh lệch còn -4,43 điểm so với VN30, khối lượng mở OI tăng cho thấy các vị thế nắm giữ gia tăng. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2308, VN30F2309, VN30F2312 thu hẹp chênh lệch từ -7,43 điểm đến -21,53 điểm so với VN30, khối lượng mở OI kỳ hạn VN30F2307 tăng.
Ông Thành chỉ ra điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa lạc quan hơn với VN30, do đó tiếp tục gia tăng các vị thế phòng ngừa rủi ro ở kỳ hạn VN30F2308.
Hạn chế tích lũy ở vùng giá cao
Theo ông Thành, giao dịch của thị trường trong những phiên gần đây rung lắc khá mạnh và tích lũy thêm để tạo nền trước ngưỡng cản quan trọng 1.150 điểm của VN-Index. Thời gian, thị trường duy trì “sóng” hồi phục với sức mạnh ổn định được thể hiện rõ qua từng đợt tăng kèm điều chỉnh tích lũy lại. Tuy nhiên, VN-Index tại 1.150 điểm đang là ngưỡng cản quan trọng nhất, do đó nếu thị trường vượt qua mốc này khả năng sẽ xác nhận một xu thế đi lên mới mới.
Do vậy, ông Thành cho rằng các nhà đầu tư theo trường phái ngắn hạn vẫn có thể giải ngân khi thị trường điều chỉnh giảm nhưng với tâm thế thận trọng hơn. Về trung và dài hạn, thị trường lại ở trạng thái vận động trong kênh tích lũy rộng để chuẩn bị cho một chu kỳ đi lên mới đồng thời đang hình thành nền tảng tích lũy nhỏ trước ngưỡng cản quan trọng.
Về kỹ thuật, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhấn mạnh sau tuần phục hồi vừa qua, VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm. Thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi các mã chứng khoán “bắt đáy” giá rẻ về tài khoản.
Do đó, ông Hinh khuyến nghị nhà đầu tư nên chậm lại và quan sát, hạn chế “mua đuổi” cổ phiếu ở vùng giá cao.
Điều này là cần thiết khi mà thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều gam màu xám. Trước đó, nhiều dự báo cho rằng thị trường có thể tiếp tục ghi nhận một quý tăng trưởng lợi nhuận kém tích cực trong bối cảnh GDP Việt Nam tăng trưởng thấp trong quý 2. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng và mặt bằng lãi suất cho vay dù có xuống nhưng vẫn đang ở mức cao so với giai đoạn năm 2021 và nửa đầu năm 2022.
“Trong ngắn hạn, yếu tố cơ hội và rủi ro chưa thực sự nghiêng về bên nào rõ ràng, vì vậy nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao khi chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm,” ông Hinh nói./.