Thị trường giằng co trong bối cảnh chờ đợi phản ứng từ dòng tiền

Tuần giao dịch từ 21-25/2, nếu dòng tiền chưa có được sự cải thiện thì chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến giằng co và tích lũy trong khu vực 1.480-1.520 điểm.
(Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnam+)

Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch đầy biến động, song VN-Index vẫn tăng nhẹ trong tuần thứ ba liên tiếp với hai phiên đi lên và ba phiên điều chỉnh xuống. Chỉ số lần lượt chạm các mức cao nhất 1.507,99 điểm và thấp nhất là 1.470,06 điểm, tăng tổng cộng 3,13 điểm (+0,2%), lên 1.504,84 điểm.

Bên cạnh đó, HNX-Index cũng ghi nhận tuần thứ hai tăng điểm liên tiếp và cộng thêm 8,72 điểm (+2%), lên 435,61 điểm.

Thanh khoản sụt giảm

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), hoạt động giao dịch trong tuần diễn ra tương đối kịch tính với nhiều thông tin tiêu cực, như lạm phát tại một số nước lớn tăng mạnh, cùng với đó căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ucraina lại leo thang.

“Tuy vậy, lực cầu tại những vùng giá thấp vẫn tương đối tốt đã giúp chỉ số nhanh chóng hồi phục và VN-Index có tuần tăng thứ 3 liên tiếp,” ông Thắng nói.

Điểm đáng lưu ý trong tuần là tính thanh khoản tiếp tục giảm, chỉ đạt xấp xỉ bằng tuần trước đó. Ông Thắng cho biết đây là tuần thứ 4 liên tiếp, thanh khoản trên thị trường ở mức dưới trung bình tuần, với 23.500 tỷ đồng/phiên trên hai sàn.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chỉ ra áp lực bán trên thị trường đã gia tăng tại nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng. Hầu hết các cổ phiếu trong ngành đã điều chỉnh giảm và tạo ra áp lực giảm điểm lớn cho thị trường, có thể kể đến VCB (-3,1%), BID (-6,7%), CTG (-6,0%), TCB (-3,9%) và MBB (-3,8%).

Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:

(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng

“Tuy nhiên rất may mắn, thị trường đã chứng kiến sự quay trở lại của nhóm cổ phiếu ngành hàng không, ngành thủy sản và sự hồi phục của nhóm bất động sản. Đây là những nhân tố giúp thị trường giữ vững được mốc 1.500 điểm,” ông Hinh nói.

Theo ông Hinh, việc Chính phủ thông báo mở lại đường bay thương mại quốc tế khiến các nhà đầu tư đặt kỳ vọng về những cải thiện tích cực đối với hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không. Điều này ngay lập tức đã được phản ánh lên diễn biến giá của cổ phiếu HVN và VJC, với mức tăng lần lượt 4,2% và 12,2% so với tuần trước.

“Không chỉ có vậy, ngành thủy sản cũng có kết quả ấn tượng khi VHC, ANV tăng lần lượt 11,1% và 13,4%. Giới đầu tư kỳ vọng giá cá tra có thể sẽ tiếp tục tăng do thiếu nguyên liệu và xuất khẩu khả quan. Ngoài ra, ngành bất động sản cũng chứng kiến sự hồi phục ấn tượng khi hầu hết các cổ phiếu vốn hóa vừa đều tăng, tiêu biểu KDH (+2,3%), NLG (+3,8%), DXG (+10,8%),” ông Hinh chỉ ra.

Sự quay lại của khối ngoại

Theo ông Hinh, điểm tích cực trong tuần qua đó là việc khối ngoại có động thái hỗ trợ thị trường khi đảo vị thế từ bán ròng 1.101 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tuần trước sang mua ròng 1.544 tỷ đồng trong tuần này. Song, họ vẫn bán ròng 39 tỷ đồng tại sàn HNX, trong đó mã TNG bị bán ròng nhiều nhất với 2 triệu cổ phiếu, tiếp theo là PVS với 850.000 cổ phiếu.

Ông Thắng phân tích việc thị trường chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần đã giúp VN-Index duy trì tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp. Điều này giúp cho chỉ số trụ vững trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và củng cố tốt hơn cho tinh thần của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.

“Thế nhưng, điểm chưa được tích cực là dòng tiền vào thị trường đang khá yếu, thể hiện qua mức thanh khoản có tuần thứ tư liên tiếp thấp hơn mức trung bình. Theo đó, trong tuần giao dịch ngày 21-25/2, nếu dòng tiền chưa có được sự cải thiện thì chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến giằng co và tích lũy trong khu vực 1.480-1.520 điểm. Vì vậy, các nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để hướng đến vùng kháng cự 1.530-1.550 điểm của VN-Index trong thời gian tới,” ông Thắng nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hinh nhấn mạnh các chỉ số chứng khoán đã cho thấy nỗ lực phục hồi khi chạm các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, điển hình VN-Index tại vùng hỗ trợ 1.470-1.475 điểm và sau đó đã giữ vững ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.

“Chúng tôi kỳ vọng sang tuần tiếp theo, thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục và hướng tới vùng đỉnh lịch sử từ 1.525-1.530 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt đối với một số nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2022 như ngân hàng, bán lẻ, thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp,” ông  Hinh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục