Thị trường gạo thế giới nhiều biến động, cơ hội nào cho gạo Việt Nam?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết quý 1/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ở tỉnh Roi Et, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường gạo thế giới thời gian qua đã có những biến động lớn, đặc biệt là do những thay đổi liên tục về chính sách của Ấn Độ, quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo.

Gần đây nhất, nước này đã ban hành quy định truy thu thuế xuất khẩu gạo bổ sung. Những hạn chế của Ấn Độ khiến các nước xuất khẩu gạo lớn khác, trong đó có Thái Lan, kỳ vọng giá gạo thế giới sẽ tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, Việt Nam cũng có thể có được những lợi thế trên thị trường.

Thêm khó khăn cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ

Trước đây, các nhà xuất khẩu phải chịu mức thuế 20% dựa trên giá gạo tại cửa khẩu bên Ấn Độ (FOB), đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay Cơ quan Hải quan nước này yêu cầu phải xem xét trị giá giao dịch, dẫn đến việc phải nộp thuế bổ sung.

Một thông báo của Cơ quan Hải quan Ấn Độ nêu rõ, các nhà xuất khẩu được thông báo phải nộp thuế xuất khẩu cùng với tiền lãi áp dụng đối với số tiền nhận được vượt giá trị FOB khai báo trong hóa đơn vận chuyển.

Bốn nhà xuất khẩu của Ấn Độ được dẫn lời cho biết họ đã nhận được thông báo yêu cầu thanh toán chênh lệch thuế đối với số gạo được xuất khẩu trong 18 tháng qua. Yêu cầu bất ngờ về thuế này đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với các chuyến hàng gạo từ Ấn Độ.

Các nhà xuất khẩu bày tỏ lo ngại về khả năng thanh toán chênh lệch thuế trong gần hai năm. Một nhà xuất khẩu từ bang Andhra Pradesh cho rằng việc yêu cầu thuế bổ sung từ người mua nước ngoài sẽ vô cùng khó khăn, đồng thời khiến hoạt động kinh doanh không bền vững.

Một đại lý có trụ sở tại New Delhi dẫn cách thức tính toán mới của chính phủ cho biết, các nhà xuất khẩu sẽ phải trả thuế bổ sung khoảng 15 USD/tấn đối với lượng gạo đã được xuất khẩu trong hai năm qua.

Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Ấn Độ có kế hoạch kiến nghị với chính phủ để giải quyết tình trạng không thực tế của yêu cầu thuế nói trên. Chủ tịch Hiệp hội, ông Krishna Rao, nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng mức thuế đồng đều đối với hàng xuất khẩu trong tương lai để tránh tình trạng rối loạn tương tự.

Vào tháng 9/2022, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo, áp thuế 20% đối với gạo không phải loại basmati (gạo tẻ thường), đồng thời cấm xuất khẩu gạo tấm.

Ngày 20/7/2023, Chính phủ Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, chỉ xuất khẩu theo giấy phép đối với một số quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Cho đến nay, Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp cấm xuất khẩu cả gạo tấm và gạo tẻ thường.

Cuối tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ lại áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (có hiệu lực đến ngày 15/10/2023) và quy định giá tối thiểu 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu. Giữa tháng 10/2023, Ấn Độ quyết định gia hạn thuế xuất khẩu gạo đồ đến ngày 31/3/2024, sau đó đến cuối tháng 2/2024 lại đổi thành không xác định thời hạn.

Công nhân vận chuyển gạo tại khu chợ ở Bangalore, Ấn Độ. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Thái Lan kỳ vọng giá tăng

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang kỳ vọng giá gạo thế giới sẽ tăng trong quý II năm nay, do một trong những yếu tố là lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết xuất khẩu gạo của nước này đạt 2,5 triệu tấn trong quý I/2024, khi các nhà xuất khẩu cam kết giao một số lượng lớn, đặc biệt là gạo trắng sang các thị trường lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Malaysia, cũng như châu Phi và Trung Đông.

Theo ông Chookiat, các nhà nhập khẩu gạo trắng và gạo thơm chính ở Mỹ và châu Á dự kiến sẽ có nhu cầu mạnh mẽ về gạo trắng và gạo thơm để bù đắp cho nguồn cung trong nước giảm trong bối cảnh giá toàn cầu cao kỷ lục. Ông cũng khẳng định nguồn cung gạo của Thái Lan vẫn đủ và giá gạo Thái Lan đang cạnh tranh nhờ đồng baht yếu so với đồng USD.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo quý II, ông Chookiat dự đoán lượng xuất khẩu của Thái Lan có thể giảm nhẹ do cạnh tranh gia tăng. Tuy vậy, ông cho rằng nếu Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, các chủ hàng trong nước vẫn có cơ sở lạc quan rằng giá gạo Thái Lan sẽ duy trì tương đối cao trong nửa đầu năm nay.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng dự báo xuất khẩu gạo năm nay của nước này có khả năng đạt 8 triệu tấn với giá trị ước tính là 180 tỷ baht (4,9 tỷ USD), cao hơn dự báo 7,5 triệu tấn được đưa ra trước đó với giá trị ước tính là 150 tỷ baht.

Ở thời điểm hiện tại, việc Ấn Độ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo theo đường ngoại giao là thông điệp khá rõ ràng về việc nước này sẽ chưa nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong thời gian sắp tới. Điều này có thể sẽ khiến thị trường gạo thế giới tạm thời duy trì tình trạng cung thấp hơn cầu và giá cao.

Người dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Cơ hội cho Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết quý 1/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2023.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Thị trường Philippines hiện chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với những biến động địa chính trị và bất ổn trên thế giới, sự thay đổi chính sách của một số nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, làm cho vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của Philipines càng được chú trọng hơn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philipines, gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với nước này. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên Philipines phải nhập khẩu gạo từ nhiều nước khác.

Đối với Việt Nam, gạo vừa là mặt hàng truyền thống, đồng thời là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam vào thị trường Philipines trong thời gian qua.

Thương vụ Việt Nam tại Philipines cho biết, trong bối cảnh phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung gạo từ Việt Nam nên Chính phủ Philipines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác Việt Nam mà trước đây họ cho rằng không có lợi thế.

Điều này đã được Thương vụ Việt Nam tại Philipines nắm bắt thông tin, nhận định và cảnh báo tới các cơ quan bộ, ngành quản lý, xây dựng chính sách và doanh nghiệp trong nước.

Trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philipines là 886.963,11 tấn tính từ ngày 1/1-14/3/2024, gạo nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm lượng lớn nhất là 493.962,72 tấn, chiếm 55,7%.

Tiếp theo là gạo nhập khẩu từ Thái Lan với 230.559,43 tấn, chiếm 26%, trong khi gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 tấn, chiếm 12,4%. Ngoài ra, Philipines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 tấn, từ Campuchia 1.620 tấn, từ Nhật Bản 1.815,37 tấn, từ Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italy 6,6 tấn.

Việc Philipines đạt được thành công bước đầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo làm cho gạo của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh hơn tại thị trường này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt, trước hết là hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu mới.

Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Philipines tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục