Thị trường gạo thế giới có thể sẽ chứng kiến tình trạng "hỗn loạn"

Có những lo ngại rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến tình trạng “hỗn loạn trên thị trường gạo” do phản ứng của các nước xuất khẩu cũng như nhập khẩu gạo sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Thị trường gạo thế giới có thể sẽ chứng kiến tình trạng "hỗn loạn" ảnh 1Kho gạo xuất khẩu đi Philippines, Trung Quốc tại tỉnh Long An của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thị trường gạo thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ hiện tượng thời tiết bất thường El Nino, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cho đến lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của Ấn Độ.

Khi vẫn chưa có thông báo về thời hạn của lệnh cấm này, có những lo ngại rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến tình trạng “hỗn loạn trên thị trường gạo” do phản ứng của các nước xuất khẩu cũng như nhập khẩu gạo.

Từ những tác động của El Nino

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết El Nino đã phát triển tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, gây khô hạn tại Đông Nam Á. Dù mưa đã xoa dịu phần nào nỗi lo mất mùa tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thời tiết khô nóng lại đe dọa Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai. Nước này đối mặt với tình trạng khô hạn diện rộng.

Dựa trên dự báo của Ban Kinh tế Nông nghiệp, tổng diện tích trồng lúa của Thái Lan năm 2023 (vụ thu hoạch 2023-2024) ước đạt 62,3 triệu rai (gần 10 triệu ha), giảm 602.000 rai so với năm trước, với sản lượng lúa đạt 25,7 triệu tấn, giảm 871.000 tấn so với năm trước.

[Giá gạo Thái Lan, Việt Nam tăng mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ]

Diện tích gieo trồng giảm là do điều kiện thời tiết thay đổi khiến mùa mưa đến chậm và lượng mưa ít hơn so với năm trước. Do đó, một số nông dân có thể bỏ hoang ruộng, và ở một số vùng, việc trồng lúa có thể bị giới hạn chỉ trong một vụ. Sản lượng lúa trên mỗi rai đất cũng được dự đoán sẽ giảm vì nguồn cung cấp nước hạn chế do lượng mưa giảm trong các tháng 8-10 do hiện tượng El Nino.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà Xuất khẩu Gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse, sản lượng thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo, đặc biệt đối với gạo trắng và gạo đồ mà nhu cầu từ các quốc gia nhập khẩu vẫn mạnh. Đồng thời, sản lượng gạo giảm cũng sẽ dẫn đến tăng giá lúa và gạo xay xát.

Tại Ấn Độ, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, diện tích gieo trồng lúa vụ Hè Thu đến ngày 10/7/2023 là 7,059 triệu ha, giảm 15,81% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, diện tích trồng lúa của Ấn Độ giảm.

Nguyên nhân chủ yếu là do mùa mưa đến chậm hơn và lượng mưa thấp hơn ở một số bang miền Nam, miền Đông và miền Trung đã ảnh hưởng đến hoạt động gieo trồng vụ Hè Thu.

Đến "cú sốc" từ lệnh cấm của Ấn Độ

Vốn đang chịu tác động từ ảnh hưởng của El Nino, thị trường gạo thế giới lại hứng chịu thêm một cú sốc mới từ Ấn Độ. Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati, kể từ ngày 20/7.

Lý giải cho việc ban hành lệnh cấm này, Chính phủ Ấn Độ cho hay quyết định này nhằm đảm bảo đủ nguồn cũng như ngăn chặn đà tăng giá ở thị trường nội địa. Bộ Các Vấn đề Tiêu dùng Ấn Độ cho biết giá gạo bán lẻ ở Ấn Độ đã tăng 11,5% trong năm qua.

Thị trường gạo thế giới có thể sẽ chứng kiến tình trạng "hỗn loạn" ảnh 2Một cửa hàng bán gạo tại Pekan Mundok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ tiếp tục tăng. Từ tháng 1-5/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,121 tỷ USD khi xuất 9,65 triệu tấn, tăng 15,29% về kim ngạch và 4,24% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2022.

Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012 và hiện xuất khẩu gạo sang hơn 140 quốc gia. Trong tài khóa 2022-2023, Ấn Độ chiếm hơn 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu 55,4 triệu tấn của thế giới khi đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 22,2 triệu tấn, nhiều hơn tổng lượng gạo xuất khẩu của 4 nhà xuất khẩu lớn tiếp theo trên thế giới là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Việc Ấn Độ có động thái thắt chặt xuất khẩu gạo đã tác động mạnh tới giá gạo trên thị trường toàn cầu cũng như tâm lý các nhà xuất nhập khẩu gạo. Giá gạo toàn cầu đã dao động quanh mức đỉnh trong 11 năm trở lại đây.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550-575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong 11 năm, ở mức 605-610 USD/tấn.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, cảnh báo bước đi mới nhất này của Ấn Độ sẽ gây ra những biến động trên thị trường gạo ở mức độ còn dữ dội hơn những gì mà thị trường lúa mỳ đang phải chứng kiến kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông Rao cho rằng lệnh cấm xuất khẩu đột ngột sẽ tác động mạnh tới người mua, do chưa thể tìm được nguồn thay thế và những người mua châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc nhiều vào nguồn gạo của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, quyết định trên của Ấn Độ cũng gây áp lực lớn đối với những nhà xuất khẩu khác trên thế giới vì không có đủ hàng tồn kho để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khi thiếu gạo Ấn Độ, do đó đẩy giá gạo lên cao.

Ảnh hưởng của lệnh cấm sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt và Nga mới đây quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Hơn nữa, hiện tượng El Nino có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác lúa của nhiều quốc gia, làm giảm sản lượng gạo toàn cầu, theo đó đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.

Và lo ngại về sự hỗn loạn trên thị trường

Hiện chưa có thông báo về thời hạn của lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Chính phủ Ấn Độ. Giới chuyên gia dự đoán lệnh cấm này có thể sẽ được duy trì tới sau tháng 11, 12 - thời điểm Ấn Độ thu hoạch vụ lúa chính trong năm.

Tuy nhiên, thời tiết trong nửa đầu năm nay không thuận lợi trong bối cảnh hồi đầu tháng Sáu, Ấn Độ phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục và sau đó lại là mưa lụt dẫn đến diện tích canh tác không đạt được như năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, thế giới có thể phải đối diện với nguy cơ mới về một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung gạo Ấn Độ cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả trên thị trường thế giới và tính toán tìm nguồn thay thể để thu mua, lưu kho nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Ông Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Khoai tây Quốc tế, lưu ý rằng mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo khác.

Tuy nhiên, với Thái Lan, ông Chookiat cho rằng không nên lo lắng về việc đối mặt với tình trạng thiếu gạo vì Thái Lan có khả năng sản xuất gạo vượt mức tiêu thụ trong nước mỗi năm.

Thái Lan sản xuất 19-20 triệu tấn gạo hàng năm, với tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 11 triệu tấn mỗi năm, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu từ 8-9 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, ông Aat Pisanwanich, cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết Thái Lan không phải đối mặt với nguy cơ thiếu gạo nên không cần áp đặt lệnh cấm xuất khẩu.

Tuy nhiên, có thể có những lo ngại về giá bán lẻ trong nước lên cao hơn do nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng. Vì vậy, Chính phủ cần giám sát và quản lý chặt chẽ giá bán lẻ gạo trong nước để tránh tăng cao bất hợp lý gây khó khăn cho người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục