Theo Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 29/3, Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) dự kiến sẽ tham gia dự án nạo vét sông Elbe giữa Cảng Hamburg và Cuxhaven ở miền Bắc nước Đức, với tổng giá trị hợp đồng khoảng 50 triệu euro.
Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh của CCCC yêu cầu EU can thiệp với lý do công ty này là công ty thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc.
Theo truyền thông Đức, dự án nạo vét sông nói trên dài 119km. Sau khi hoàn thành dự án, dự kiến số lượng tàu container cập cảng Hamburg (cảng container lớn thứ 3 châu Âu) sẽ tăng lên đáng kể mỗi năm.
Ngoài ra, các tàu container lớn từ Trung Quốc và các nước khác sẽ cập bến và dỡ hàng nhanh và an toàn hơn. Theo báo cáo, cuộc đấu thầu dự án nạo vét sông Elbe được tổ chức bởi Cơ quan Quản lý Đường thủy và Vận tải Liên bang Đức.
Ngoài CCCC, các công ty từ Bỉ và Hà Lan cũng tham gia đấu thầu. Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Đức, công ty Trung Quốc báo giá thấp hơn ít nhất 1/3 so với các công ty khác.
Do đó, công ty Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ trúng thầu. Có thông tin cho rằng các bộ phận quản lý liên quan của Đức sẽ thảo luận về sự tham gia của các công ty Trung Quốc trong dự án này.
Cảng Hamburg và cảng Cuxhaven ủng hộ sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào các dự án liên quan. Lượng container vận chuyển giữa Cảng Hamburg và Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng lượng hàng thông qua Cảng Hamburg mỗi năm.
[Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Thực hư về trọng lượng kinh tế]
Ngoài ra, CCCC cũng có kế hoạch xây dựng một cảng container mới tại địa phương. Tuy nhiên, Đảng Xanh Đức đã phản đối và yêu cầu chính quyền địa phương công bố tình trạng đấu thầu. Cựu Bộ trưởng Môi trường Đức Wenzel cũng yêu cầu các công ty Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Theo thông tin từ Tuần báo Kinh tế Đức, một số hiệp hội ngành xây dựng của Đức đã viết thư cho Bộ trưởng Kinh tế Đức Altmeier và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Scheuer về cuộc đấu thầu, cho rằng đây là một "cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá với các doanh nghiệp Trung Quốc được nhà nước trợ giá."
Tờ Trouw của Hà Lan cho biết công ty Van Nord của Hà Lan tham gia đấu thầu đã yêu cầu EU phải can thiệp vào vấn đề này. Công ty này tuyên bố các công ty Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, hoạt động với mức giá thấp hơn chi phí thực tế và đẩy các đối thủ phương Tây ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, Chính phủ Liên bang Đức không muốn can thiệp vào dự án này. Theo tờ Trouw, các dự án trên là sự hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU.
Theo hiệp định này, các công ty Trung Quốc và EU có thể thực hiện các dự án liên quan tại thị trường của nhau. Trước những cáo buộc của các công ty phương Tây về chính sách trợ cấp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã tuyên bố rằng một công ty có tham gia vào một dự án cụ thể hay không là hành vi thị trường của công ty đó và có thể thắng thầu hay không chủ yếu do chính năng lực cạnh tranh của công ty quyết định./.