Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 3/3 công bố dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát năm 2011-2012, trong đó lạm phát là điều mà các thị trường đặc biệt quan tâm, vì đây là căn cứ xem xét khả năng khi nào ECB sẽ tăng lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng của ING, Carsten Brzeski cho rằng, con số dự báo lạm phát càng tiến gần đến mức 2% thì khả năng ECB tăng lãi suất (từ mức thấp kỷ lục 1% hiện nay) càng lớn.
Các nhà phân tích nhận định, dự báo về lạm phát năm 2011 sẽ được nâng từ 1,8% lên 2,2% và năm 2012 là 1,7%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 có thể được nâng từ 1,4% lên 1,7%, còn năm 2012 vẫn được giữ ở mức 1,7%.
Theo Liên minh châu Âu (EU), lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng lên mức 2,4% trong tháng Hai vừa qua và có thể lên cao hơn nữa, khi giá dầu tiếp tục bị đẩy lên trong bối cảnh bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.
Trong tháng 1/2010, chỉ số giá bán buôn, thước đo chính đối với lạm phát, tại Eurozone tăng 1,5% so với tháng 12/2010 và 6,1% so với tháng 1/2010. Ở 27 nước EU, chỉ số này tăng tương ứng 1,4% và 6,5%.
Ủy ban châu Âu đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2011 lên mức 1,6%, khi lĩnh vực chế tạo và dịch vụ trong tháng Hai tăng trở lại các mức của tháng 7/2006, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Một lần đầu tiên giảm xuống dưới 10% kể từ tháng 7/2010.
ECB nhấn mạnh, việc duy trì lãi suất ở mức thấp là để tránh làm ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế, thậm chí các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng sẽ được rút chậm. ECB cho rằng, việc giá lương thực và năng lượng tăng sẽ không khiến lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Bên cạnh việc công bố dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát, ECB có thể sẽ vẫn áp dụng các biện pháp đặc biệt, nhằm đảm bảo rằng các ngân hàng thương mại có dư dật lượng tiền mặt để tiếp tục cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet có thể thông báo về các khoản cho vay không giới hạn trong thời hạn ba tháng. Tuy nhiên, ECB cũng đang tìm kiếm giải pháp đối với những ngân hàng phụ thuộc vào nguồn tiền mặt của ECB, đặc biệt là những ngân hàng ở các nước như Hy Lạp và Ireland./.