Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu phục hồi không đồng đều

Hãng theo dõi thị trường IDC cho biết Apple và các đối thủ dự kiến xuất xưởng khoảng 1,24 tỷ chiếc điện thoại trong năm 2024, nhưng số lượng iPhone chỉ tăng 0,4%.
Các mẫu điện thoại thông minh của Samsung được bày bán tại cửa hàng ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo công ty theo dõi thị trường IDC, doanh số điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 sau hai năm sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, Apple Inc. lại gần như dậm chân tại chỗ.

Điều này cho thấy tốc độ mà các đối thủ sử dụng hệ điều hành Android đang giành lấy thị phần tại Trung Quốc và các thị trường mới nổi.

IDC cho biết Apple và các đối thủ dự kiến xuất xưởng khoảng 1,24 tỷ chiếc điện thoại trong năm 2024. Nhưng số lượng iPhone chỉ tăng 0,4%.

Mặc dù vậy, Apple vẫn là công ty dẫn đầu về lợi nhuận với giá bán trung bình vượt 1.000 USD, trong khi các đối thủ Android chỉ đạt khoảng 295 USD.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy thị trường smartphone phục hồi không đồng đều. Thị trường này vốn đã sụt giảm trong thời kỳ hậu COVID-19 bất chấp sự xuất hiện của Trí tuệ Nhân tạo (AI).

IDC cho biết phần lớn mức tăng của năm 2024 đến từ nhu cầu bị tích tụ và các khu vực có tỷ lệ thâm nhập smartphone thấp hơn.

Các thiết bị giá cả phải chăng hơn từ các nhà cung cấp Android đã giúp các thương hiệu Trung Quốc nắm bắt tốt hơn cơ hội này, trong khi Apple được dự báo sẽ có kết quả tốt hơn vào năm 2025.

Việc bổ sung các tính năng AI, một chiến lược lớn của Samsung Electronics, Apple và Google của Alphabet, đã không thu hút được người tiêu dùng.

Ông Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu tại IDC cho biết mặc dù AI thế hệ mới vẫn là một chủ đề nóng và ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà cung cấp, nhưng nó vẫn chưa tác động đáng kể đến nhu cầu và thúc đẩy người dùng nâng cấp sớm.

Theo ông, cần thêm nhiều đầu tư để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và giới thiệu một tính năng “phải có” để thúc đẩy người tiêu dùng đến cửa hàng và tạo ra siêu chu kỳ mà mọi người đang chờ đợi.

Các thương hiệu như Xiaomi và Huawei đang đầu tư mạnh vào phần cứng và thiết kế bộ xử lý riêng nhằm giảm thiểu mối đe dọa hoặc ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ đồng thời tùy chỉnh thiết kế của họ cho các trường hợp sử dụng AI.

Huawei vừa giới thiệu smartphone mới nhất chạy bằng chip sản xuất tại Trung Quốc, trong khi Xiaomi đang chuẩn bị một chip nội bộ cho các thiết bị năm 2025.

Tại thị trường cạnh tranh cao của Trung Quốc, nơi hàng loạt công ty cạnh tranh vị trí hàng đầu mỗi quý, các chương trình giảm giá lớn và kéo dài đã kích thích doanh số bán hàng.

Những điều này có tác động mạnh hơn so với năm trước, mặc dù lo ngại nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu có khả năng vẫn còn.

Trên toàn cầu, lượng hàng xuất xưởng vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch và IDC không kỳ vọng mức tăng trưởng hơn một chữ số trong những năm tới.

Thời gian giữa các lần nâng cấp kéo dài hơn, thị trường bão hòa ở các nền kinh tế phát triển và giao dịch smartphone đã qua sử dụng đang phát triển nhanh được coi là những yếu tố chính góp phần vào sự chậm chạp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục