Thị trường dầu thế giới trải qua tuần ảm đạm thứ ba liên tiếp

Bất chấp đà phục hồi vào cuối tuần, song diễn biến mờ nhạt từ đầu tuần không giúp giá dầu thế giới thoát khỏi tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.
Thị trường dầu thế giới trải qua tuần ảm đạm thứ ba liên tiếp ảnh 1Bể chứa dầu tại một cơ sở khai thác dầu ở Dammam, Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bất chấp đà phục hồi vào cuối tuần, song diễn biến mờ nhạt từ đầu tuần không giúp giá dầu thế giới thoát khỏi tuần đi xuống thứ ba liên tiếp, giữa bối cảnh lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung lại nhen nhóm trở lại trên thị trường.

Đầu tuần này (ngày 16/7), giá dầu thế giới đồng loạt mất hơn 4% và dầu Brent chạm mức “đáy” của ba tháng khi các cảng của Libya mở cửa trở lại và thị trường có thể chứng kiến nguồn cung của Nga và các nước sản xuất “vàng đen” khác tăng lên.

Ngoài ra, những lo ngại về đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại cũng tác động tiêu cực đến giá dầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng với nhịp độ chậm hơn trong quý 2 giữa bối cảnh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế nợ làm tổn thương đến các hoạt động khác, trong khi sản lượng công nghiệp tháng Sáu giảm xuống mức thấp của hai năm do cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ.

Thị trường quay đầu đi lên trong hai phiên liền sau đó, nhờ sự gián đoạn nguồn cung ở Venezuela và dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm.

Trong báo cáo tuần công bố ngày 18/7, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng của nước này đã giảm 3,2 triệu thùng vào tuần kết thúc hôm 13/7, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, giảm 371.000 thùng, cao hơn kỳ vọng của thị trường.

Tới phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu được hậu thuẫn bởi thông tin Saudi Arabia dự kiến giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ trong tháng 8/2018, xoa dịu lo ngại về khả năng dôi dư nguồn cung quá mức.

[Giới phân tích lo ngại về hiệu quả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ]

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn chứng kiến tuần giảm thứ ba liên tiếp, do quan ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu lại dấy lên sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẵn sàng áp thuế với tất cả 505 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8/2018 tăng 1 USD (1,4%), lên 70,46 USD/thùng - mức cao nhất trong một tuần qua, song vẫn giảm 0,8% so với tuần trước đó.

Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2018 cũng tăng 49 xu Mỹ (0,58%), lên 73,07 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu này vẫn mất khoảng 3%. Dù vậy, tính trong 12 tháng qua, giá dầu ngọt nhẹ đã tăng 45%, còn giá dầu Brent cộng thêm 48%.

Giới chuyên gia nhận định, bất chấp sự suy yếu và biến động gần đây trên thị trường năng lượng, xu hướng về dài hạn vẫn nghiêng về đà tăng. Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành và là Nhà sáng lập tại Sun Global Investments cho biết tâm lý thận trọng vấn thống lĩnh thị trường dầu mỏ, chủ yếu do những lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như triển vọng về nhu cầu dầu mỏ.

Trong phiên này, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố báo cáo cho hay, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm năm giàn trong tuần xuống 858 giàn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2017, số giàn khoan dầu tại Mỹ lại tăng 94 chiếc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục