Thị trường dầu mỏ trước thời điểm quan trọng: 'Vàng đen' sẽ tăng giá?

Chủ đề mà các Bộ trưởng OPEC+ sẽ thảo luận có thể không chỉ giới hạn từ tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, cán cân nguồn cung và nhu cầu, mà xa hơn nữa là viễn cảnh của thị trường dầu thô thế giới.
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin Arab News, thị trường dầu mỏ đang trải qua một tuần rất quan trọng.

Theo kế hoạch, trong hai ngày 5-6/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt (thường gọi là nhóm OPEC+) nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo để thảo luận về khả năng tiếp tục gia hạn hay thậm chí gia tăng mức cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ đã nhất trí thực hiện từ tháng 6/2019 đến nay.

Giới phân tích nhận định, lý do chủ chốt để liên minh dầu mỏ cân nhắc kịch bản tiếp tục cắt giảm sản lượng là nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” đang chậm lại, khiến nguồn dầu thô trong các kho dự trữ tăng và dự báo nguồn cung dồi dào hơn từ các nước ngoài OPEC trong giai đoạn cuối mùa Xuân và đầu mùa Hè năm tới.

Tuần trước, giá dầu Brent được giao dịch trong “ngưỡng an toàn” từ 62-63,5 USD/thùng. Tâm lý lạc quan trùng khớp với sự kỳ vọng trên các thị trường rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được đồng thuận về “Giai đoạn một” của thỏa thuận thương mại giữa hai nước, qua đó làm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cho đến cuối tuần qua, giá dầu bất ngờ trượt xuống ngưỡng 60,5 USD/thùng khi thị trường phản ứng thận trọng đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.

Bên cạnh đó, những bình luận của Bộ trưởng Dầu mỏ Nga Alexander Novak khi tuyên bố rằng ông không nhận thấy sự cần thiết của việc kéo dài quá trình cắt giảm sản lượng tại thời điểm này là một tác nhân khác kéo giá dầu xuống mức 60,5 USD/thùng.

[Liệu OPEC+ có cần tới một kế hoạch mới để hỗ trợ giá dầu?]

Bình luận của Bộ trưởng Novak thực tế cũng giống như những gì Bộ trưởng Tài chính Nga từng phát đi hồi đầu tháng trước. Và như thường lệ, giới giao dịch hàng hóa rất nhạy cảm trước những tuyên bố như vậy, đặc biệt từ những nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu thô.

Tuy nhiên, sang đến tuần này, niềm tin của thị trường đã quay trở lại trong bối cảnh những đồn đoán gia tăng về khả năng OPEC+ đạt thỏa thuận gia hạn việc cắt giảm sản lượng.

Không thể phủ nhận mức độ quan trọng của các cuộc họp nhóm OPEC+, song thị trường vẫn tồn tại khoảng “thời gian chờ” nhất định khi việc cắt giảm sản lượng hiện tại ít nhất sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 3/2020 theo thỏa thuận trước đó.

Câu hỏi đặt ra là Saudi Arabia - quốc gia giữ vai trò dẫn dắt OPEC - có thể gánh vác gánh nặng cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bao lâu.

Trong khi tất cả các nhà sản xuất dầu thô đều được hưởng lợi từ mức giá ổn định khi cắt giảm sản lượng, Saudi Arabia sẵn sàng hạn chế năng lực sản xuất của mình nhiều hơn mức cần thiết trong thỏa thuận nhằm phát đi một thông điệp tới các thị trường.

Đó là OPEC+ hoàn toàn nghiêm túc trong các ý định của mình. Động thái của Saudi Arabia nhận được sự ủng hộ của Kuwait và Angola, nhưng mặt khác, Nga và Iraq lại cắt giảm sản lượng ít hơn rất nhiều so với những gì họ đã hứa.

Điều quan trọng nhất mà các bộ trưởng dầu mỏ nhóm OPEC+ sẽ phải tìm lời giải đáp là dự đoán lượng dầu thô từ các nước ngoài OPEC sẽ được bơm ra thị trường vào năm tới và làm thế nào để kéo giá dầu đi lên trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” toàn cầu thấp hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính mức tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC có thể lên đến 2,3 triệu thùng/ngày vào năm tới, so với mức 1,8 triệu thùng/ngày của năm 2019 với lý do sản xuất từ Mỹ, Brazil, Na Uy và Guyana tăng mạnh.

Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đang tạo ra nhiều sức ép đối với nhịp độ phát triển của các cơ sở lọc dầu. Vì vậy, các bộ trưởng OPEC+ sẽ phải cân nhắc xem điều đó có dẫn đến việc nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa hay không, cũng như những tác động tiềm ẩn của nó đối với nhu cầu dầu thô.

Nếu Saudi Arabia không muốn tiếp tục gánh vác gánh nặng cắt giảm sản lượng thì đây cũng là điều dễ hiểu. Thay vào đó, Riyadh sẽ mong muốn các thành viên khác trong OPEC+ cần thể hiện vai trò đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực cắt giảm này.

Một điểm đáng chú ý khác mà giới đầu tư không thể bỏ qua là cuộc họp OPEC+ trùng hợp với thời điểm tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco của Saudi Arabia công bố mức định giá cuối cùng của đợt chào bán công khai cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Các chủ ngân hàng và giới đầu tư sẽ xem xét khả năng lợi nhuận của Aramco dựa trên kỳ vọng về cả giá dầu và khối lượng sản xuất. Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có tác động tới các quyết định chính sách của Saudi Arabia đối với thị trường dầu mỏ hay không.

IEA nhận định: "Với kế hoạch IPO của tập đoàn dầu khí Aramco và mục tiêu thúc đẩy ngân sách quốc gia, Saudi Arabia chắc chắn sẽ phải nỗ lực kéo giá dầu thô lên."

Cùng lúc, Hội nghị thường niên lần thứ 25 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-25) đã khai mạc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và sẽ kéo dài đến ngày 13/12.

Chương trình nghị sự của COP-25 tập trung chủ yếu vào vấn đề chống biến đổi khí hậu và giới lãnh đạo thế giới đòi hỏi cần phải hành động nhanh và khẩn trương hơn đối với vấn đề cấp bách này.

Mặc dù hiệu ứng từ hội nghị này có thể không có tác động ngay lập tức đến nhu cầu dầu mỏ, song những kết luận và chính sách từ hội nghị có thể ảnh hưởng tới thị trường “vàng đen” trong dài hạn.

Thế giới đã bắt đầu lưỡng lự trong việc tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng hóa thạch và bắt đầu dịch chuyển sang những nguồn năng lượng tái tạo.

Vì vậy, chủ đề mà các Bộ trưởng OPEC+ sẽ phải thảo luận có thể không chỉ giới hạn từ tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, cán cân nguồn cung và nhu cầu, mà xa hơn nữa là viễn cảnh của thị trường dầu thô thế giới trước những sức ép trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục