Thị trường dầu mỏ thế giới đứng trước nhiều sóng gió do dịch COVID-19

Dưới tác động của đại dịch COVID-19 và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh, “vàng đen” đang đứng trước nguy cơ trở nên "vô giá trị," thị trường năng lượng rơi vào hỗn loạn chỉ là vấn đề thời gian.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trước khi thị trường năng lượng thế giới sụp đổ, dầu thô luôn nằm trong danh sách những mặt hàng quan trọng nhất thế giới 100 năm qua.

Tuy nhiên giờ đây, dưới tác động của đại dịch COVID-19 cùng xu hướng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh, “vàng đen” đang đứng trước nguy cơ trở nên "vô giá trị."

Ngày 20/4/2020 sẽ đi vào lịch sử của ngành năng lượng thế giới với sự kiện giá dầu WTI giao tháng 5/2020 của Mỹ “rơi tự do” xuống mức thấp kinh ngạc là khoảng âm 40 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc - được coi là thước đo chuẩn mực quốc tế - cũng đã giảm trước khi cả hai loại dầu này phục hồi trở lại vào ngày 22/4, lên các mức giá lần lượt 13,78 USD/thùng và 20,37 USD/thùng.

[Giảm 8 lần liên tiếp, giá xăng RON95-III còn 11.631 đồng mỗi lít]

Diễn biến ngày 22/4 đã phần nào xoa dịu sự hỗn loạn trên các thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thị trường năng lượng tiếp tục rơi vào hỗn loạn chỉ là vấn đề thời gian, bởi giữa bối cảnh các chính phủ đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” đã chứng kiến kịch bản giảm nhanh và mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Hoạt động sản xuất được điều chỉnh chậm lại do các kho chứa dầu đang dần đạt ngưỡng tối đa.

Để đối phó với tình huống này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác (OPEC+) trong tháng 4 đã công bố một thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử.

Cùng với đó, vào ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết Chính phủ Mỹ có thể mua vào tới 75 triệu thùng dầu thô để phục vụ mục đích dự trữ chiến lược của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng khó có thể diễn ra nhanh chóng để đưa thị trường dầu vào thế cân bằng trong tháng 5, tháng 6/2020 hoặc thậm chí vào cuối mùa Hè này.

Vào ngày 12/4, OPEC+ đã cam kết sẽ cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào thời điểm tháng 5 và tháng 6/2020.

Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là quá muộn để có thể giúp xoay chuyển tình hình trong tháng 4.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Khi lượng hàng tồn kho tăng cao, áp lực trên thị trường cũng tăng. Giữa bối cảnh ấy, sự chuyển động của giá dầu WTI giao tháng 5/2020 (với ngày đáo hạn là 21/4) đã cho thấy một kịch bản thảm họa.

Giá dầu đã giảm vào ngày 20/4, giữa bối cảnh các thương nhân nhận ra rằng số dầu thô họ sở hữu sẽ được chuyển đến kho cảng Cushing, Oklahoma (Mỹ) vào tháng 5/2020, nơi thậm chí đã không còn chỗ chứa.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 so cùng kỳ năm ngoái - tương đương với 1/3 nguồn cung toàn cầu.

Điều này khiến thỏa thuận của OPEC+ có thể là không đủ để đối phó với xu hướng nhu cầu tiếp tục giảm trong tháng 5/2020.

Ngoài ra, không phải tất cả hơn 20 đối tác tham gia thỏa thuận này sẽ tuân thủ thỏa thuận.

Đồng thời, mức sản lượng cắt giảm của Saudi Arabia và Nga cùng một số nước khác không phải được thiết lập từ mức của tháng Hai (khi nhu cầu đã sụt giảm), mà từ một mức thậm chí còn cao hơn.

Do đó, mức cắt giảm thực chất của OPEC+ so với hồi tháng Hai năm nay chỉ là gần 7,5 triệu thùng mỗi ngày, theo Công ty nghiên cứu Bernstein.

Các nhà quản lý ở Texas đang cân nhắc việc giới hạn sản xuất của bang này, song cuộc họp vào ngày 21/4 đã kết thúc mà không có thỏa thuận.

Việc điều chỉnh hoạt động sản xuất nhiều khả năng sẽ xảy ra, đặc biệt là sau cơn ác mộng hôm 20/4.

Tuy nhiên, cho đến nay, các công ty vẫn quá thờ ơ với khả năng cắt giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất, bởi việc khởi động lại hoạt động khai thác là rất tốn kém.

Do đó, Công ty nghiên cứu Bernstein dự kiến nguồn cung toàn cầu sẽ tiếp tục vượt cầu trong quý II/2020 ở mức hơn 13 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, kho lưu trữ trên khắp nước Mỹ cũng đang đầy lên nhanh chóng và có thể đạt tới đỉnh vào tháng Sáu.

Vào ngày 22/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ đã báo cáo lượng dầu tồn kho tại nước này đã đạt mức 519 triệu thùng, gần ngưỡng kỷ lục 535 triệu thùng được thiết lập trong năm 2017.

Trong khi đó, mặc dù cung đường vận chuyển của giá dầu Brent thường là đường biển, do đó ít bị tổn thương hơn so với dầu WTI trong các khâu vận chuyển và lưu trữ, loại dầu này cũng phải đối mặt với những hạn chế.

Lượng dầu Brent được lưu trữ trên tàu hiện đã tăng 70% kể từ đầu tháng 3/2020, theo công ty dữ liệu thị trường Kpler./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục