Giá dầu Brent từng được các nhà phân tích của Tạp chí Wall Street dự đoán sẽ được giao dịch ở mức 116 USD/thùng vào cuối năm nay. Thị trường dầu mỏ đã bất ngờ tăng nhiệt khi bạo lực bùng phát tại Iraq làm tăng thêm mối lo ngại nguồn cung dầu bị gián đoạn.
Biến động ở Iraq có thể phá vỡ sự ổn định của thị trường dầu mỏ thế giới, đồng thời đe dọa sự ổn định mong manh của giá dầu trong suốt 4 năm qua, nhưng chắc sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới, đe dọa kinh tế thế giới.
Thị trường "nóng" theo chiến sự Iraq
Kể từ giữa năm 2011, thị trường dầu mỏ thế giới ổn định một cách bất thường. Sự thay đổi ấn tượng trong hoạt động sản xuất dầu trên toàn cầu đã bù đắp cho sự thiếu hụt ở các khu vực khác. Điều này đã giúp giữ giá dầu ở mức cao vừa phải, song vẫn mang lại nguồn tài chính lớn cho các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), mà Iraq là một thành viên chủ chốt.
Giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 110 USD/thùng trong suốt 4 năm qua và chỉ đôi lần biến động nhẹ. Nhưng khi chiến sự bùng lên tại Iraq trong những ngày đầu tháng Sáu thì thị trường dầu mỏ đã không còn bình lặng.
Nỗi lo căng thẳng leo thang tại Iraq sẽ cản trở nguồn cung từ khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ đã đẩy giá dầu Brent chạm đỉnh của 9 tháng qua là 113,02 USD/thùng trong phiên 12/6. Theo sau đó giá dầu ngọt nhẹ New York lên mức 106,53 USD/thùng - mức cao nhất của hợp đồng này kể từ ngày 18/9/2013.
Trong những phiên sau đó biến chuyển trên thị trường dầu mỏ "theo sát" từng diễn biến tại Iraq và đà tăng của dầu Brent nhanh hơn, vượt qua 114 USD/thùng, rồi chạm ngưỡng 115 USD/thùng vào phiên 19/6. Mặc dù vậy giá dầu còn ở rất xa đỉnh trên 147 USD/thùng hồi năm 2008.
Dầu mỏ là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và vùng miền ở Iraq, nước hiện nắm trong tay hơn 11% trữ lượng dầu đã được kiểm chứng của thế giới và sản xuất mỗi ngày được gần 3,4 triệu thùng dầu.
Cộng đồng người Sunni phàn nàn không được hưởng lợi từ dầu mỏ, trong khi người Kurd kiên quyết giữ độc quyền khai thác và xuất khẩu dầu mỏ tại miền Bắc, nhất là ở tỉnh Kirkuk, mà không cần xin phép Baghdad. Đây là một vấn đề rất gay cấn, nhạy cảm và cũng là nguyên nhân khiến các phiến quân thuộc tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) phát động các cuộc tấn công đánh chiếm một loạt thành phố và thị trấn của Iraq trong hai tuần qua.
Trước đây hoạt động xuất khẩu dầu của Iraq đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công dai dẳng vào hệ thống đường ống nối tỉnh Kirkuk ở miền Bắc với cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống này đã tạm ngừng hoạt động từ đầu tháng Ba vừa qua mà ở thời kỳ "hoàng kim" đã vận chuyển 500.000 thùng dầu/ngày tới thị trường quốc tế qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Lo ngại bắt đầu gia tăng khi lực lượng phiến quân chiếm được phần lớn các khu vực ở miền Bắc Iraq dù cho giao tranh chưa lan sang miền Nam, nơi theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), có tới 3/4 sản lượng dầu mỏ của Iraq. Ba mỏ dầu lớn nhất là Rumaila, West Qurna-2 và Majnoon đều nằm ở miền Nam.
Chiến sự leo thang tại Iraq đã buộc các công ty dầu mỏ nước ngoài như BP (Anh) - một trong những nhà đầu tư lớn nhất tham gia khai thác ở khu vực Basra - và Exxon Mobil (Mỹ) hoạt động tại Tây Qurna-1 sơ tán một số nhân viên không trực tiếp sản xuất đề phòng những kẻ cực đoan tấn công.
Trong khi các công ty dầu mỏ của Nga và Trung Quốc hoạt động tại Iraq cũng đã lên kế hoạch sơ tán nhân viên đề phòng tình hình xấu hơn.
Tuy nhiên, sang tuần này độ "nóng" trên thị trường "vàng đen" đã phần nào dịu dần khi nhà đầu tư đã trở nên bình tĩnh hơn, bởi họ nhận ra rằng nguy cơ đe dọa nguồn cung dầu mỏ do chiến sự tại Iraq không đến mức như lo ngại ban đầu.
Thực tế cho thấy đà tăng trên thị trường dầu mỏ đã chững lại sau khi Baghdad triển khai thêm lực lượng để bảo vệ các mỏ dầu và cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Ngày 19/6, các lực lượng chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát tổ hợp lọc dầu Baiji lớn nhất đất nước thuộc tỉnh Salahudin, phía Bắc thủ đô Baghdad, sau một cuộc giao tranh ác liệt với các phiến quân.
Nguy cơ khủng hoảng dầu mỏ bị đẩy lui
Theo các nhà phân tích, chiến sự tại Iraq sẽ không châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dầu mỏ quốc tế lớn bởi nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ không nhiều.
Quan ngại về nguồn cung dầu mỏ từ Iraq gián đoạn xuất hiện khi sản lượng của một số thành viên OPEC khá bấp bênh. Bất ổn chính trị đã làm dầu mỏ của Libya hầu như không có mặt trên thị trường quốc tế.
Sản lượng của Libya giảm còn chưa đến 200.000 thùng/ngày so với mức tiềm năng 1,5 triệu thùng/ngày. Thậm chí trong tháng Năm sản lượng dầu của nước Bắc Phi này chỉ đạt 180.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2011 và giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran - nước từng là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới - đã làm sản lượng dầu giảm xuống 2,7 triệu thùng/ngày, kéo theo xuất khẩu dầu mỏ sụt xuống 1 triệu thùng/ngày. Trước khi có các lệnh cấm vận quốc tế, Iran đã xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Sản lượng dầu của Venezuela và Nigeria cũng ít đi do những khó khăn về kinh tế và chính trị.
Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iraq dường như chưa bị ảnh hưởng do chiến sự diễn ra ở miền Bắc còn cách xa các mỏ dầu ở miền Nam. Các mỏ dầu lớn của Iraq vẫn nằm ngoài tầm với của lực lượng phiến quân, tại khu vực tương đối yên bình ở miền Nam do dòng Shiite kiểm soát, chiếm khoảng 75% sản lượng dầu mỏ và 90% lượng dầu mỏ xuất khẩu. Số mỏ dầu còn lại nằm tại khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc, với lượng dầu xuất khẩu nhỏ vẫn tiếp tục chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo hàng tháng về thị trường năng lượng được công bố ngày 13/6 cũng cho hay, nguồn cung dầu từ Iraq có thể không bị ảnh hưởng ngay lập tức. IEA chỉ ra rằng sản lượng từ khu vực phía Bắc của Iraq là khá nhỏ, trong khi sản lượng từ khu vực phía Nam đang tăng lên với sản lượng đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Tuy nhiên, IEA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong dài hạn của Iraq đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Theo Cơ quan này, phần lớn trong mức tăng về sản lượng dầu của OPEC trong phần còn lại của thập niên này sẽ là từ Iraq.
Theo chuyên gia Dorian Lucas từ Công ty tư vấn năng lượng Inenco, giá dầu sẽ chỉ tiếp tục tăng mạnh trong trường hợp nguồn cung trên thực tế bị phá vỡ. Hiện các mỏ dầu ở miền Nam Iraq vẫn “bình an”. Hơn thế, dầu thô xuất khẩu của Iraq chủ yếu là từ khu vực này. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện nay, việc gián đoạn nguồn cung trên thực tế không chắc sẽ xảy ra.
Về phần mình, Iraq vẫn lạc quan về khả năng xuất khẩu dầu mỏ. Theo số liệu của Reuters, tính đến ngày 21/6, xuất khẩu dầu tại các cảng phía nam Iraq đã đạt mức trung bình 2,53 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn chút ít so với mức 2,58 triệu thùng/ngày của tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 2003. Trong tháng Hai, tổng lượng dầu xuất khẩu tại các cảng phía bắc và phía nam Iraq đạt mức cao kỷ lục là 2,8 triệu thùng/ngày.
Để trấn an giới đầu tư Tổng thư ký OPEC, Abdullah El-Badri, tại cuộc gặp với Ủy viên Năng lượng châu Âu, Guenther Oettinger, ở Brussels (Bỉ) đã khẳng định nguồn cung "vàng đen" sẽ không bị thiếu do cuộc khủng hoảng tại Iraq và giá dầu gia tăng là do hoạt động đầu cơ.
Bất kỳ lượng dầu thiếu hụt nào từ việc cắt giảm sản lượng lớn của Iraq cũng có thể được bổ sung bằng nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia, nước sẵn sàng nâng sản lượng từ mức 9,7 triệu thùng/ngày hiện nay lên con số tối đa 12,5 triệu thùng/ngày. OPEC cũng đã nhất trí duy trì hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày (đã được áp dụng kể từ cuối năm 2011) tại cuộc họp tháng Sáu ở Vienna (Áo).
Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt nhờ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến có thể bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung từ Libya, Iran và cả Iraq. Số liệu từ EIA cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 8,4 triệu thùng/ngày vào đầu tháng Sáu, mức cao nhất kể từ tháng 10/1986, chủ yếu sự đột phá trong công nghệ đã giúp Mỹ tăng mạnh sản lượng dầu khai thác từ các mỏ đá phiến ở North Dakota và Texas.
Trong một bước tiến nữa, theo nhật báo Phố Wall số ra ngày 24/6, lần đầu tiên trong gần bốn thập niên qua, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép hai công ty Pioneer Natural of Irving và Enterprise Products Partners of Houston xuất khẩu sản phẩm dầu chưa lọc có thể là vào tháng Tám tới.
Đây là một phần trong kế hoạch dỡ bỏ dần lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ được áp dụng tại Mỹ kể từ những năm 1970.
Có thể nói chiến sự tại Iraq mới chỉ thổi bùng một đợt "sóng" nhỏ trên thị trường "vàng đen", chứ chưa đủ sức châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới trên toàn cầu./.