Thị trường dầu mỏ khởi sắc, giá dầu Brent tăng tuần thứ tư liên tiếp

Kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu Brent tăng 59 xu lên 61,54 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 22 xu lên 56,52 USD/thùng sau khi Fed sẽ hành động thích hợp để đảm bảo đà tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ.
Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp hai phiên đi xuống vào đầu tuần, thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua vẫn ghi nhận một tuần khởi sắc, với giá dầu Brent tăng tuần thứ tư liên tiếp.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,8%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 2,6%.

Trong phiên đầu tuần (2/9), giá dầu đi xuống sau khi các mức thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa của nhau bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9, làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu thô trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột thương mại trong tháng 9/2019.

Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh mục tiêu của ông là giảm sự phụ thuộc về thương mại của Mỹ vào Trung Quốc và tiếp tục hối thúc các doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung cấp nguyên vật liệu thay thế ngoài Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Harry Tchilinguirian của BNP Paribas, dù ông Trump cho rằng các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra theo dự kiến, thị trường dầu vẫn phải “chịu đựng” tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giá dầu tiếp tục giảm khi đóng cửa phiên 3/9 với giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm 2% sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy hoạt động của ngành chế tạo nước này trong tháng 8/2019 đã sụt giảm lần đầu tiên trong ba năm qua. Trước đó, hoạt động của ngành chế tạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8/2019 đã giảm tháng thứ bảy.

Theo chuyên gia John Kilduff cộng tác với Again Capital tại New York, sự suy giảm này tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu.

Sang phiên 4/9, giá dầu phục hồi, khi nhóm cổ phiếu năng lượng duy trì đà tăng mạnh và lo ngại về nguy cơ biến động tài chính dịu bớt sau một số thông tin tích cực. Cụ thể, phiên này, lĩnh vực năng lượng chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 1,4% khi thị trường đóng cửa. Lĩnh vực năng lượng là một trong những lĩnh vực có cổ phiếu tăng mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực chính trong chỉ số S&P 500.

[Dầu vững giá ở châu Á do Mỹ-Trung Quốc nhất trí đàm phán cấp cao]

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 5/9, trước thống kê về sự sụt giảm mạnh lượng dầu dự trữ của Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 4,8 triệu thùng, gần gấp đôi mức dự đoán của giới phân tích, xuống còn 423 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Đây là tuần thứ ba liên tiếp lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm dù lượng dầu nhập khẩu tăng mạnh.

Trong phiên cuối tuần (6/9), giá dầu Brent vọt lên trên 61 USD/thùng, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho biết ngân hàng này sẽ hành động thích hợp để đảm bảo đà tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước sự thiếu chắc chắn của thương mại toàn cầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 59 xu (1%) lên 61,54 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 22 xu (0,4%) lên 56,52 USD/thùng.

Các nhà giao dịch cho biết vào đầu phiên, cả hai loại dầu trên đều hạ giá, giữa những lo ngại về số liệu gây thất vọng của thị trường lao động Mỹ cũng như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ vào ngày 6/9, thị trường lao động nước này đã tạo thêm 130.000 việc làm trong tháng 8/2019, dưới mức kỳ vọng của giới chuyên gia giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc tiếp tục leo thang và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, bình luận của ông Powell đã kéo giá dầu đi lên sau đó. Phát biểu tại Đại học Zurich, Chủ tịch Powell cho biết Fed có trách nhiệm sử dụng các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và cơ quan này sẽ tiếp tục sứ mệnh này. Tuyên bố này được đánh giá là tín hiệu về chương trình hạ lãi suất tiếp theo.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc UBS nhận định nhu cầu dầu toàn cầu có thể chỉ tăng 900.000 thùng/ngày trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, các dự báo khác về tăng trưởng nhu cầu dầu đã giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày, so với dự đoán trước đó là khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.

Thống kê cũng cho thấy giá dầu đã giảm khoảng 20% so với mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay (đạt được hồi tháng 4/2019) do những quan ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu dầu.

Theo nhà phân tích Staunovo, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu có thể sẽ giảm hơn nữa, khiến giá thấp hơn nhiều. Nhà phân tích này dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch quanh mức 55 USD/thùng vào năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục