Thị trường dầu mỏ tiếp tục chứng kiến tuần giảm giá thứ ba liên tiếp, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong năm nay sau khi Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo thị trường việc làm tháng 10 khá lạc quan.
Ngay từ đầu tuần (ngày 2/11), giá dầu đã giảm sâu sau khi thị trường nhận được thông tin về tình trạng sa sút của ngành chế tạo Trung Quốc và sản lượng dầu của Nga ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 10 tiếp tục sa sút trong tháng thứ ba liên tiếp. Trong khi theo Bloomberg News, sản lượng khai thác dầu của Nga phá kỷ lục vào tháng 10, tăng lên 10,78 triệu thùng/ngày.
Điểm sáng duy nhất của thị trường dầu mỏ tuần này chỉ xuất hiện trong phiên giao dịch 3/11, khi thị trường đang chờ đợi báo cáo về tình hình dự trữ dầu thô của Mỹ. Ngoài ra, những lo ngại về sản lượng dầu tại Libya co lại và cuộc đình công trong ngành dầu mỏ Brazil cũng hỗ trợ đà tăng của giá “vàng đen” trong phiên này.
Tuy nhiên, giá dầu đảo chiều đi xuống liên tiếp trong ba phiên giao dịch liền sau đó, do thị trường tiếp nhận thông tin cho thấy dự trữ và sản lượng dầu thô của Mỹ đồng loạt bật tăng trong tuần trước. Thêm vào đó, việc đồng USD mạnh lên nhờ phát biểu mới nhất của Chủ tịch Fed Janet Yellen về khả năng ngân hàng này có thể tiến hành nâng lãi suất vào tháng 12 tới, cũng là một nhân tố tác động tới thị trường.
Ngoài ra, sản lượng dầu thô trên toàn cầu tiếp tục vượt quá nhu cầu, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên sản lượng để bảo vệ thị phần của mình. Bởi vậy, theo quan điểm của giới phân tích, giá dầu sẽ còn tiếp tục chịu sức ép chừng nào nguồn cung vẫn dư thừa.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/11, giá dầu đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo tích cực về thị trường việc làm Mỹ đã đẩy đồng USD mạnh lên. Cụ thể, báo cáo công bố ngày 6/11 của Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 271.000 việc làm trong tháng 10, cao gần gấp đôi số việc làm mới được tạo ra trong tháng Chín và vượt xa dự báo của các chuyên gia phân tích. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 10 vừa qua cũng giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Thông tin này đã khiến đồng USD vọt lên mức cao nhất sáu tháng rưỡi so với rổ tiền tệ, càng tạo áp lực giảm lên mặt hàng vốn được định giá bằng đồng USD này.
Kết thúc phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12 giảm 91 xu Mỹ, xuống 44,29 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường châu Âu, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 56 xu, xuống 47,42 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ mất 5% và dầu Brent mất 4,2%, đánh dấu tuần giảm giá thứ ba trong vòng bốn tuần qua của mặt hàng này.
Mặc dù tuần vừa qua cũng ghi nhận là tuần thứ 10 liên tiếp số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ sụt giảm, song dường như thị trường vẫn không phản ứng tích cực trước thông tin này, do bị chi phối quá lớn bởi những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhân tố thúc đẩy Fed sớm nâng lãi suất và tạo điều kiện cho đồng bạc xanh lên giá.
Tuần tới, thị trường tập trung vào các số liệu mới, sẽ được Cơ quan Nang lượng quốc tế (IEA), OPEC và Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố./.