Thị trường CK trong tháng 10: Không có "sóng" lớn?

Diễn biến thị trường chứng khoán tháng Chín đã giúp nhiều nhà đầu tư tranh thủ thu về những khoản lợi nhuận kỳ vọng và lại đang kiên trì chờ đợi các cơ hội mới hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại lo ngại thị trường trong tháng Mười sẽ yếu đi khi điều kiện kinh tế vĩ mô không được cải thiện là bao, trong khi muốn có những đợt "sóng" dài thì cần phải dựa vào tín hiệu vĩ mô chứ không phải là kỹ thuật.
Khởi động tháng Mười, thị trường chứng khoán đã trải qua những phiên giao dịch không mấy khả quan. Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), VN-Index đỏ lửa suốt sáu phiên liên tiếp, đồng thời xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 420 điểm một cách dễ dàng.

Bên phía sàn Hà Nội (HNX), HNX-Index cũng đang phải nỗ lực cầm cự tại khu vực 70 điểm trong suốt ba phiên đầu tiên của tháng.

Nhìn lại tháng Chín, thị trường đã mở ra cơ hội đầu tư ngắn hạn trong nửa đầu của tháng với việc VN-Index tăng liền 36 điểm lên đỉnh 470 điểm (ngày 15/9) và HNX-Index tăng 6 điểm chốt ở đỉnh 79 điểm (13/9).

Về nửa cuối của tháng, mặc dù thị trường chung liên tục bị điều chỉnh, song vẫn có những nhóm cổ phiếu tách ra khỏi xu thế đi lên mạnh mẽ và đủ sức níu chân dòng tiền đầu cơ ở lại. Nhờ đó, thanh khoản cả hai sàn gia tăng nhanh, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tại HoSE đạt trên 43 triệu cổ phiếu/phiên và trên HNX đạt gần 50 triệu cổ phiếu/ phiên.

Với những diễn biến của thị trường tháng Chín, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ thu về những khoản lợi nhuận kỳ vọng. Sự thành công là động lực thúc đẩy họ kiên trì chờ đợi các cơ hội mới hơn.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thị trường chứng khoán trong tháng Mười sẽ gặp nhiều thách thức và cơ hội đầu tư sẽ ít dần đi so với tháng Chín.

Lý giải điều này, ông Đoàn Việt Hưng, Trưởng phòng Môi giới 2, Công ty Chứng khoán APEC cho rằng, sở dĩ có đợt tăng giá vừa qua là do thị trường kỳ vọng vào quyết tâm giảm lãi suất từ phía các cơ quan chức năng.

“Tuy nhiên, tất cả mọi thứ dường như đang quay lại như cũ, tín hiệu vĩ mô không có nhiều thay đổi và việc duy trì mức lãi suất thấp đã khiến một số ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Đây là những tín hiệu không tốt cho thị trường chứng khoán,” ông Hưng nói.
 
Nhìn nhận về dòng tiền trên thị trường, ông Phạm Thế Anh, Kinh tế Trưởng, Công ty Chứng khoán Thăng Long quan ngại chỉ ra, chỉ số lạm phát trong tháng Chín đã giảm, nhưng về những tháng cuối năm lại đối mặt với nhiều thách thức, như việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1/10, rồi khả năng tăng giá điện cũng rất lớn, thêm vào đó là hiện tượng khách quan do mưa bão sẽ khiến giá cả lương thực, thực phẩm gia tăng…

Nếu lãi suất huy động vẫn giữ ở mức thấp, với tâm lý đầu cơ nhiều người dân sẽ tìm đến các loại hình huy động ngoài luồng có lãi suất cao hay các kênh đầu tư vàng và ngoại hối.  Do đó về logic, lãi suất VND khó có cơ hội giảm nữa.

Cùng có chung mối lo ngại, ông Marc Djandji, Trưởng bộ phân Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhấn mạnh “Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn khi các chỉ số đánh mất thành quả tăng điểm trong tháng Chín và về lại gần mức đáy thiết lập hồi cuối tháng Tám. Điểm đáng chú ý là liệu nhà đầu tư trong nước có tiếp tục giữ được niềm tin. Thị trường Việt Nam có những phiên giảm điểm với thanh khoản giảm sút, cho thấy nhà đầu tư trong nước đang có tâm lý do dự. Rủi ro lớn nhất cho thị trường là nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường chứng khoán và đầu tư vào các loại hình tài sản khác như ngoại tệ và vàng.”

Trước những lo ngại về yếu tố kinh tế vĩ mô, tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường cũng đã trở nên thận trọng hơn, biểu hiện rõ nét nhất là tại nhóm nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại.

Theo dõi thị trường trong các phiên gần đây, ông Hưng chỉ ra, dòng tiền đã đổ về thị trường thì vẫn nằm trong thị trường, tuy nhiên đây là dòng tiền ngắn hạn, mua bán rất nhanh. Về cơ bản, dòng tiền này không quyết định được tính bền vững của thị trường, trong khi đó những dòng tiền lớn bán ra chốt lời lại không có tín hiệu quay lại và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài lại dè dặt trong vấn đề giải ngân.

“Theo tôi, tháng Mười sẽ không có sóng lớn. Mặc dù theo kỹ thuật sóng thứ ba sẽ là sóng lớn, nhưng nhìn nền tảng kinh tế vĩ mô thì không thấy cơ sở hỗ trợ. Do đó, sau khi giảm sâu thị trường chỉ có khả năng hồi phục từ 2 đến 3 phiên. Bởi, muốn có một sóng dài thì phải dựa vào tín hiệu vĩ mô chứ không phải là kỹ thuật,” ông Hưng nhận định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục