Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên đà bán đã chững lại và dòng tiền từ các quỹ đầu tư ETF (quỹ hoán đổi danh mục) lớn cũng đã ghi nhận sự quay trở lại trong thời gian gần đây.
Đây được xem là tín hiệu khởi sắc, hỗ trợ tâm lý tốt cho xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới phát hành cho biết dòng vốn ETF chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá tích cực trong tháng Bảy, với tổng giá trị ròng gần 700 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận dòng vốn dương từ các quỹ ETF với xu hướng tích cực ghi nhận ở hầu hết các quỹ.
Đáng chú ý, động lực dịch chuyển sang khối ETF ngoại khi 2 quỹ thu hút được dòng vốn lớn nhất là VanEck Vectors ETF (262 tỷ đồng) và FTSE Vietnam ETF (146 tỷ đồng).
Ngược lại, xu hướng tăng đã yếu đi ở các ETF nội mới thành lập như VNDiamond ETF và VNFIN Lead ETF. Quỹ ETF nội lớn nhất là VFM VN30 ETF đã có dòng tiền giải ngân trở lại từ giữa tháng. Tuy vậy, diễn biến dịch COVID-19 bất ngờ đã khiến quỹ bị rút vốn trở lại trong tuần cuối tháng, tính chung chỉ thu hút được 58 tỷ đồng trong tháng Bảy.
Thống kê cho thấy các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam có sự tăng tỷ trọng cổ phiếu trong thời gian gần đây. Tỷ trọng tiền mặt của các quỹ chủ động giảm rõ rệt kể từ đầu tháng Sáu và được giữ ở mức thấp trong tháng Bảy.
Đơn cử, tại quỹ VEIL (Dragon Capital) - quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam tại cuối tháng Bảy, tỷ trọng tiền mặt chỉ là 0,87%; của quỹ PYN Elite là 4%... đều là những mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam cũng có những tín hiệu tích cực. Dẫn lại số liệu của Tổ chức theo dõi các quỹ đầu tư (EPFR Global), báo cáo của SSI cho biết dòng vốn ngoại đổ vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam trong nửa cuối tháng Bảy đã cao hơn lượng rút ra nửa đầu tháng. Tính chung cả tháng Bảy có 6,5 triệu USD vốn ngoại tăng thêm vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
[Chứng khoán tuần từ 17-21/8: Xu hướng tăng có thể vẫn chưa thay đổi]
Trong khi đó, lũy kế 7 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực châu Á (ngoại trừ Đài Loan) đều bị rút ròng nhưng mức rút ròng của thị trường Việt Nam (-3,6 triệu USD) thấp hơn nhiều so với các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan… Trong tuần đầu tháng Tám, có 7,6 triệu USD vốn ròng vào các quỹ ở Việt Nam.
Theo SSI, trong thời gian tới, việc sớm kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quyết định đến tâm lý đầu tư và hiệu lực của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán.
Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng kỳ vọng dòng tiền khối ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo KBSV, một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ dòng tiền của các quỹ đầu tư toàn cầu chảy vào các thị trường mới nổi là diễn biến suy yếu của đồng USD. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua mối tương quan giữa chỉ số USD Index và chỉ số Bloomberg EM Flow Proxy Index trong quá khứ. Trên thực tế, kể từ khi đồng USD lao dốc từ tháng Ba cho đến nay, dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi cũng đã ghi nhận sự gia tăng vượt bậc.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa ghi nhận xu hướng quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài một cách rõ nét, song KBSV kỳ vọng khối ngoại sẽ đẩy mạnh mua ròng trong thời gian tới. Đặc biệt, thông qua giao dịch ở các quỹ ETF, do không gặp rào cản về vấn đề room ngoại (tỷ lệ % cổ phiếu mà tổng các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu), trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng và Việt Nam đã cho thấy khả năng kiểm soát tốt dịch COVID-19, đồng thời được đánh giá cao về khả năng hồi phục so với các nền kinh tế mới nổi khác.
Dựa trên những cú sốc ngoại biên trong quá khứ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, KBSV cho biết sau khi rút ròng mạnh trong 6 tháng đầu, dòng tiền khớp lệnh khối ngoại có xu hướng quay trở lại ngay sau đó.
Tương đồng với đó, kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, dưới tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 lần 1 (trong kịch bản làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 được kiểm soát tốt và không để xảy ra cách ly toàn xã hội trên diện rộng) đã cho thấy một số dấu hiệu hồi phục tích cực.
Do vậy, xét về mặt thời gian, các chuyên KBSV kỳ vọng dòng tiền khớp lệnh khối ngoại thời điểm hiện tại bắt đầu bước sang giai đoạn phục hồi trong những tháng cuối năm.
Xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại sẽ là một động lực vững chắc tiếp tục dẫn dắt thị trường hồi phục lên các vùng giá cao hơn trong giai đoạn 4 tháng cuối năm 2020./.