Thị trường chứng khoán Việt Nam: Đã đến lúc bắt đáy?

Các chuyên gia dự báo triển vọng thị trường sẽ còn nhiều thách thức trong nửa cuối của năm, song trong khó khăn vẫn có các cơ hội và nhà đầu tư cần xác định ‘khẩu vị’ rủi ro để có chiến lược phù hợp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Đã đến lúc bắt đáy? ảnh 1Tọa đàm Đầu tư Tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán, ngày 29/6. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Tọa đàm Đầu tư Tài Chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/6, nhiều nhà đầu tư có chung một câu hỏi đến với các diễn giả: “Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam đã đến lúc bắt đáy?”

Tác động từ thị trường quốc tế

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát hành thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá năm 2022, thị trường có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021 - một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán. 

Cụ thể, bà Bình chỉ ra thị trường Việt Nam đã giảm tương đối mạnh sau khi đợt tăng trưởng thời điểm đầu năm 2022. Theo đó, mức thanh khoản có xu hướng đi xuống, giá trị giao dịch bình quân trong tháng Năm đạt khoảng 17.773 tỷ đồng/phiên (giảm 32% so với tháng Tư) song thời điểm này bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước có tâm lý e ngại, chuyển sang quan sát diễn biến giao dịch thì các nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua ròng trở lại. Tính từ đầu năm đến ngày 15/6, khối ngoại đã tích lũy 2.193 tỷ đồng.

Về dự báo triển vọng, bà Bình cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, tình hình kinh tế - chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, hay chính sách phong tỏa nghiêm ngặt nhằm đối phó với COVID-19 của Trung Quốc hoặc động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Gần đây nhất, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 chỉ đạt 3,6% và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo ở mức 2,9%. 

“Bên cạnh đó, các yếu tố giá lương thực, năng lượng, dầu mỏ và khí đốt vẫn tăng cao. Điều này tác động tiêu cực đến chi phí đầu vào cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam,” bà Bình trao đổi.

VN-Index có thể chạm đáy về cuối năm

Cụ thể hơn, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu dự báo khả năng VN-Index quay ngược dòng về chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong nửa cuối của năm. Do đó, ông đưa ra kiến nghị lựa chọn lúc này nên “ngủ yên còn hơn là ăn ngon.” Đó là chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm kiếm lợi nhuận lớn với rủi ro cao.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính triển vọng và có lịch sử giao dịch ổn định lâu năm. Đặc biệt, các nhà đầu tư phải có điểm ‘cắt lỗ và chốt lời’ đồng thời thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo chiến lược đã vạch ra,” ông Hiếu nói.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Đã đến lúc bắt đáy? ảnh 2Có khả năng VN-Index quay ngược dòng về chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong nửa cuối của năm. (Ảnh: Vietnam+)

Về dòng tiền, bà Bình chỉ ra trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều căng thẳng và áp lực lạm phát gia tăng, việc nhà đầu tư nhân có tâm lý thận trọng đã góp phần tạo nên áp lực bán mạnh hơn trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang giữ nguyên mức lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã gia tăng. Theo đó, dòng tiền phần nào đã được hút trở lại hệ thống ngân hàng. 

Do đó, bà Bình nhận định diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng trong khó khăn, thách thức vẫn có nhiều cơ hội. Trên thực tế, kinh tế trong nước đang có sự phục hồi và lạm phát cơ bản được kiểm soát, đầu tư công và đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm. Cùng với đó, thể chế pháp luật đã được hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Trên thị trường chứng khoán, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà bổ sung và đa dạng hóa. Thêm vào đó, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo có thể tăng từ 20%-25% trong cả năm và chỉ thấp hơn mức 30%- 33% của năm ngoái.

“Vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trên thị trường, nhưng nhà đầu tư phải xác định được ‘khẩu vị’ rủi ro để có chiến lược phù hợp đồng thời tiếp cận theo hướng đa dạng hóa hơn với mức ‘đòn bẩy’ tài chính hợp, đặc biệt là hạn chế tâm lý đám đông…,” ông Lực khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục