Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có tuần thứ 3 đi lên trong rung lắc và giằng co mạnh.
Dòng tiền “khỏe” là bệ đỡ vững chắc giúp VN-Index đứng vững và phục hồi. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp chỉ số VN-Index tăng điểm sau khi có năm tuần giảm mạnh liên tiếp.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 30/7-3/8), VN-Index tăng 24,08 điểm lên 959,6 điểm; HNX-Index tăng 0,54 điểm lên 106,24 điểm. Thanh khoản tiếp tục được cải thiện với trung bình hơn 4.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là nhân tố dẫn “sóng” thị trường với nhiều mã tăng mạnh như PLX tăng 10,4%, PVD tăng 15,8%, PVS tăng 12,5%, PVB tăng 8,8%, PVC tăng 8,5%, GAS tăng 10,4%.
Việc giá dầu thế giới suy giảm trong tuần qua cũng không ngăn nổi đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí. Giới phân tích cho rằng nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm khá mạnh trong một thời gian dài, thị giá đã trở lên hấp dẫn và thu hút được nhiều nhà đầu tư giải ngân hơn.
[VN-Index bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại]
Tuần qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí cũng đã ra báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và sáu tháng năm 2018; trong đó, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất khả quan.
Đơn cử, theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tổng doanh thu thuần hợp nhất của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí... là 96.757 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ.
Doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân sáu tháng năm 2018 là 65,46 USD/thùng, tăng tới 31,1% so với cùng kỳ năm 2017 (giá bình quân 6 tháng năm 2017 là 49,95 USD/thùng).
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex là 2.809 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch và bằng 113% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không khả quan nhưng giá cổ phiếu lại tăng rất mạnh. Ví dụ điển hình là cổ phiếu PVD của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí.
Theo báo cáo tài chính quý 2, doanh thu thuần của đơn vị này đạt 1.618,6 tỷ đồng, tăng tới 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn hơn 50 tỷ đồng, giảm gần 30% so với quý 2/2017.
Giới phân tích cho rằng, PVD đã giảm mạnh trước đó và việc kết quả kinh doanh không khả quan đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Vì vậy khi công ty ra báo cáo kết quả kinh doanh thì cổ phiếu lại đảo chiều tăng điểm, điều này thường diễn ra trên thị trường chứng khoán.
Với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, vẫn khó đoán định xu hướng giao dịch trong tuần tới của nhóm cổ phiếu dầu khí.
Tuần qua, nhóm chứng khoán cũng phục hồi theo đà của thị trường như SSI giảm 4,1%, HCM giảm 8,1%, VCI giảm 3,1%, VND giảm 4,5%, SHS giảm 1,5%... Mặc dù thị giá tăng, nhưng nếu xét về khối lượng giao dịch, chỉ có SSI là có khối lượng khớp lệnh khá lớn. Các mã còn lại có khối lượng giao dịch rất thấp.
Thị trường muốn tăng trưởng mạnh thì cần phải có động lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hiện tại, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa tạo được sự đồng thuận tăng của các mã cổ phiếu trong nhóm. Sắc xanh đỏ vẫn đan xen tại nhóm cổ phiếu này trong tuần giao dịch qua.
Đơn cử, phiên cuối tuần áp lực bán tại vùng giá cao lan tỏa toàn thị trường đã khiến VN-Index và VN30-Index chịu sức ép rất lớn. Chỉ nhờ có VIC tăng mạnh mẽ mà thị trường vẫn giữ được sắc xanh. Chính vì vậy, để thị trường có sự bứt phá đi lên thì cần nhiều hơn nữa những cổ phiếu như VIC.
Một nhóm cổ phiếu có tác động tích cực đến thị trường trong tuần giao dịch qua là nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng với VCB tăng 3,5%, BID tăng 7,1%, VPB tăng 0,8%, MBB tăng 0,4%, EIB tăng 0,4%...
Thực tế, nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và sáu tháng rất khả quan. Đây là động lực giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng. Tuần tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều thông tin hỗ trợ như vậy, do nhiều ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh hoặc có những dự báo kết quả kinh doanh.
Diễn biến của nhóm ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào thông tin bên ngoài, mà hiện nay những thông tin này đang có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong nước.
Hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, tỷ giá VND/USD vẫn ở mức cao là hai mối lo ngại lớn của thị trường chứng khoán.
Rõ ràng, sự tăng trưởng của thị trường vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Theo giới phân tích, chiến tranh thương mại khó chấm dứt sớm, thậm chí phải chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang.
Thực tế, ngày 4/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bảo vệ hành động áp thuế nhập khẩu gây tranh cãi nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc và nhiều nước khác.
Trước đó, hôm 1/8, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các bộ liên quan nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% lên 25% do Bắc Kinh từ chối đáp ứng các yêu cầu của Washington và đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.
Bên cạnh đó, với môi trường lãi suất tăng và rủi ro chiến tranh thương mại, thị trường chứng khoán Mỹ khó có thể vào xu hướng tăng như đã xảy ra trong năm 2017.
Nếu thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến xấu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán thế giới; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hơn nữa, việc khối ngoại bán ròng mạnh cũng đang gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chỉ riêng trong tháng Bảy, khối ngoại đã bán ròng tới 2.564 tỷ đồng trên sàn HOSE và chỉ mua ròng 172 tỷ đồng trên sàn HNX.
Bước sang tháng Tám, khối ngoại vẫn chưa thôi bán ròng. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng hơn 925,8 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần giao dịch qua. Khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 909,4 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 16,46 tỷ đồng.
Đặc biệt, động thái bán ròng mạnh của khối ngoại trở lại vào phiên cuối tuần. Chỉ tính riêng phiên cuối tuần, khối ngoại đã bán ròng khoảng 425 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết, với lực bán mạnh mẽ trên nhóm Bluechip (những cổ phiếu có tình dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm nhất của toàn bộ giới đầu tư chứng khoán).
Bước sang tháng Tám, mùa cao điểm báo cáo kết quả kinh doanh sẽ đi qua, thị trường sẽ chịu sự tác động rất lớn từ những yếu tố hiện không tích cực như trên. Cùng với đó, thị trường chứng khoán tháng Tám thường rơi vào khoảng trống thông tin. Thiếu vắng những thông tin hỗ trợ tích cực sẽ khiến thị trường gặp nhiều khó khăn.
Với diễn biến của thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán cho rằng trạng thái giằng co và tích lũy với các phiên tăng, giảm đan xen có thể sẽ tiếp tục trong tuần giao dịch tới.
Theo chuyên gia thuộc Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SHS): “Xu hướng thị trường đang dần trở nên khó nhận định hơn và trạng thái giằng co, tích lũy với các phiên tăng giảm đan xen có thể sẽ tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghiêng một chút về kịch bản tích cực cho thị trường chung trong tuần tiếp theo.”
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (6-10/8), VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu lần lượt là ngưỡng kháng cự 965 điểm (MA10 tuần) và ngưỡng kháng cự 980 điểm (MA50 tuần).
Đồng quan điểm, chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng thị trường dự kiến sẽ tiếp tục rung lắc tại vùng kháng cự 950-960 điểm. Hiện tại, lực cầu luôn thường trực ở vùng giá thấp cũng như thanh khoản duy trì ở mức ổn định là những tín hiệu tốt cho thị trường.
Nếu chỉ số vượt qua vùng kháng cự này với thanh khoản thuyết phục thì sẽ chính thức xác định hồi phục trong trung hạn; ngược lại, nếu bị điều chỉnh thì áp lực điều chỉnh cũng sẽ không quá lớn, vùng 940-945 điểm, sâu hơn là 930 điểm sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt thị trường.
Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định diễn biến tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản ở mức cao là những tín hiệu tích cực đối với thị trường. Trong tuần tới, thị trường có thể có những phiên điều chỉnh nhẹ đầu tuần trước khi hồi phục trở lại vào các phiên cuối tuần./.