Thị trường chứng khoán trở lại vùng giá trước thời điểm dịch COVID-19

Thị trường trong nước tuần qua đi ngược xu hướng phục hồi của chứng khoán thế giới khi tiếp tục giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp với chỉ số VN-Index đã giảm gần 31% kể từ đầu năm.
Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường trong nước tuần qua đi ngược xu hướng phục hồi của chứng khoán thế giới khi tiếp tục giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp.

Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất 5 tháng vừa qua. Chỉ số VN-Index đã giảm gần 31% kể từ đầu năm, nằm trong các thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.

Sau gần 3 năm, VN-Index quay trở lại vùng giá 1.000-1.030 điểm, tương ứng đỉnh giá cao nhất năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Có nên bắt đáy?

Theo chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần giảm trước đó nhưng vẫn xấp xỉ mức trung bình của 20 tuần gần nhất, cho thấy áp lực bán vẫn là khá mạnh.

Nhưng điểm đáng chú ý là trong phiên giao dịch cuối tuần, thanh khoản bất ngờ tăng vọt và với cây nến rút chân nhẹ thì có thể thấy là cầu bắt đáy bắt đầu xuất hiện.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 96,2 điểm xuống 1.035,91 điểm, HNX-Index giảm 24,16 điểm xuống 226,09 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,8% so với tuần trước đó lên 68.277 tỷ đồng tương ứng với khối lượng tăng 18,1% lên 2.841 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 17,6% so với tuần trước đó xuống 5.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giảm 6,3% xuống 311 triệu cổ phiếu.

Thị trường diễn biến tiêu cực khiến toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm về vốn hóa. Theo đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 15,8%, nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu  thép như HPG giảm 17%, NKG giảm 17,5%, HSG giảm 20,3%... và sự suy yếu của cổ phiếu hóa chất như DPM giảm 12,5%,  DGC giảm 13,3%, DCM giảm 16,9%...

Nhóm ngân hàng giảm 11,8% và là một trong những nguyên nhân chính kéo thị trường giảm mạnh, tiêu biểu như VCB giảm 8,9%, BID giảm 13,9%, CTG giảm 14%, TCB giảm 16,2%… Duy nhất cổ phiếu EIB đi ngược dòng với mức tăng 8,77%.

Ngành dịch vụ tiêu dùng cũng giảm mạnh với 9% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu bán lẻ là MWG giảm 15,6%, FRT giảm 13,4%, DGW giảm 12,4%...

[Xu hướng thị trường tương đồng với thời điểm 'lao dốc' tháng 3/2020] 

Ngành công nghệ thông tin giảm 8,2% vốn hóa, chủ yếu do cổ phiếu FPT giảm 8,1%, CMG giảm 13,3%. Các ngành còn lại đều giảm mạnh như hàng tiêu dùng giảm 7,6%, tiện ích cộng đồng giảm 7,4%, công nghiệp giảm 7,5%, tài chính giảm 4,3%, dược phẩm và y tế giảm 3,3%, dầu khí giảm 2,3%.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 615,53 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 33 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và DXG với lần lượt 20,2 triệu cổ phiếu và 7,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUEVFVND là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 7,6 triệu chứng chỉ quỹ.

VN-Index có tuần đầu tiên của quý 3/2022 giảm giá rất mạnh. Kết tuần thúc tuần giao dịch từ 3-7/10, VN-INDEX ở mức 1.035,91 điểm, giảm mạnh 8,50% so với tuần trước. Mức giảm này chỉ thua kém tuần 13/3/2020 giảm mạnh 14,55% do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và tuần 13/05/2022 do áp lực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Tuần qua, thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực rút vốn ròng của các quỹ ETF do lãi suất tăng và diễn biến lãi suất, tỷ giá trong nước, cũng như áp lực giải chấp trên thị trường.

Như vậy sau gần đúng 3 năm, VN-INDEX lại quay trở lại vùng giá 1.000-1.030 điểm tương ứng đỉnh giá cao nhất năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Xu hướng giá và tâm lý của thị trường hiện tại đang khá tương đồng với tuần giảm điểm mạnh tháng 3/2020. Vì vậy, có thể hy vọng thị trường sẽ dần phân hóa, áp lực bán giải chấp, rút vốn sẽ giảm dần trong từ 1-2 tuần tới tại vùng hỗ trợ đỉnh giá cao nhất năm 2019 là 1.000-1.030 điểm.

Trong ngắn hạn tâm lý thị trường vẫn rất bi quan, mức độ sợ hãi tương đương các thời điểm khủng hoảng. Xu hướng ngắn và trung hạn của VN-Index vẫn đang suy giảm và để thị trường có thể cân bằng trở lại thì các áp lực bán cần giảm bớt đồng thời diễn biến lãi suất, tỷ giá cũng cần ổn định trở lại.

"Nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về báo cáo quý 3/2022 của doanh nghiệp, cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư," SHS khuyến nghị.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết VN Index tiếp tục trả qua 1 tuần giảm điểm mạnh, áp lực bán đã xuất hiện ngay từ đầu tuần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong suốt 5 phiên giao dịch. Chỉ số chung có lúc đã giảm sâu nhất về sát mức 1.020 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục duy trì ở mức thấp, và chỉ gia tăng trở lại không đáng kể khi VN-Index giảm xuống dưới 1,050 điểm.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index diễn biến ngược chiều so với chứng khoán thế giới, khi các chỉ số quốc tế có 1 tuần phục hồi nhẹ nhàng thì áp lực bán trên VN-Index lại thể hiện áp đảo suốt cả tuần giao dịch.

Toàn bộ nhóm ngành đều đồng loạt ghi nhận sự giảm điểm mạnh; trong đó, tác động tiêu cực nhất tới chỉ số phải kể đến nhóm cổ phiếu đầu ngành ngành nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính và bán lẻ khi hầu hết đều ghi nhận mức giảm lớn hơn 10% trong tuần vừa qua.

Chỉ số VN-Index về gần mức 1.000 điểm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

VCBS cho biết việc VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Xét về khung đồ thị tuần, VN-Index đang bước vào nhịp sóng 3 trong chu kỳ giảm và đang hướng về về khu vực quanh 995 điểm. Nếu tình hình tệ hơn, xác suất chỉ số chung lùi sâu về khu vực 900 điểm là cần được tính đến.

VCBS giữ nguyên quan điểm khuyến nghị các nhà đầu tư không bắt đáy sớm, kiên nhẫn chờ đợi VN-Index xuất hiện chuỗi phiên tích lũy lại để tạo điểm cân bằng để hạn chế tối đa rủi ro.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), nhìn ra chứng khoán thế giới, các thị trường lớn đều phục hồi trong tuần qua có nhịp phục hồi quanh mức tăng 4%, do vậy khó có thể nói chứng khoán thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.

Chỉ số VN-Index đã giảm 6 tuần liên tiếp, chuỗi giảm tương đương hồi tháng Năm vừa qua, chỉ số này đã mất gần 31% kể từ đầu năm và xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ, rất gần vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm.

Thanh khoản 2 phiên cuối tuần qua đã tăng lên cho thấy có dòng tiền bắt đáy, tuy nhiên dòng tiền mua ở thời điểm này sẽ đầu tư dài hạn do vậy quá trình giải ngân có thể kéo dài, chưa có tín hiệu của dòng tiền nóng.

Nhà đầu tư có thể chuẩn bị lựa chọn cổ phiếu cho danh mục khi nhiều cổ phiếu đã giảm qua cả đáy thời điểm COVID-19 xảy ra, cũng như có nhiều cổ phiếu đã giảm 50-60% kể từ đầu năm, mức P/E (hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) của thị trường hiện giảm còn 11 lần.

Chứng khoán thế giới đi lên

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đi lên trong tuần qua. Cụ thể, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng trong tuần qua.

Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,51%, chỉ số Dow Jones tăng 1,99% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,73%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 9/2022 vừa qua, nền kinh tế nước này đã tạo ra 263.000 việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước xuống còn 3,5%, cho thấy nền kinh tế tiếp tục trụ vững dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nỗ lực hạ nhiệt lạm phát thông qua việc làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Các thị trường nhận định có 92% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư tại cuộc họp vào ngày 1-2/11, so với con số 83,4% trước khi báo cáo việc làm được công bố.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, John Williams cho rằng, việc tiếp tục tăng lãi suất là cần thiết để kiểm soát lạm phát, dù điều này có thể tăng số người thất nghiệp.

Người dân tham dự hội chợ việc làm tại San Mateo, bang California (Mỹ). (Ảnh: AP/TTXVN)

Một nhà kinh tế cho rằng khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, tốc độ tăng sẽ quá nhanh và là một dấu hiệu về một cuộc suy thoái. Trong tuần tới, số liệu về chỉ số giá tiêu dùng sẽ được công bố, cho thấy tình hình lạm phát hiện nay.

Thực tế, tính chung cả tuần, chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ các chỉ số đi lên vào 2 phiên đầu tuần, nhưng đã giảm trở lại vào các phiên sau đó.

Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần giảm 630,15 điểm, hay 2,11%, xuống 29.296,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 104,86 điểm, hay 2,8%, xuống 3.639,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 420,91 điểm, hay 3,8%, xuống 10.652,41 điểm.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 6/10, khi các nhà đầu tư chờ báo cáo việc làm tháng Chín của Mỹ sắp được công bố. Chỉ số Dow Jones giảm 346,93 điểm, hay 1,15%, xuống 29.926,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,76 điểm, hay 1,02%, xuống 3.744,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 75,33 điểm, hay 0,68%, xuống 11.073,31 điểm.

Trong phiên 5/10, các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc chuỗi hai ngày tăng điểm liên tiếp sau số liệu kinh tế của Mỹ. Khép phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,1% xuống 30.273,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 3.783,28 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 11.148,64 điểm.

Tương tự, tại châu Á, các thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ những phiên đầu tuần và giảm trở lại vào những phiên cuối tuần qua.

Về thông tin vĩ mô thế giới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày một tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp.

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần hành động phối hợp nhằm ngăn chặn "điều bình thường mới nguy hiểm," trong bối cảnh các nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày một tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp.

Tuyên bố trên được bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 6/10 trước thềm hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Phát biểu tại Đại học Georgetown (Mỹ), bà Georgieva nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải "ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất," trong đó có tình trạng lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục