Thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với 'cơn bão mạnh'

"Cơn bão" xuất phát từ những lo ngại về sự suy giảm kinh tế ngày càng rõ rệt của Trung Quốc và lãi suất cao liên tục của Mỹ làm xáo trộn tâm lý nhà đầu tư.
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã phải hứng chịu một "cơn bão" mạnh trong tuần vừa qua, khi liên tiếp các thị trường từ Phố Wall cho tới sàn giao dịch chứng khoán London hay sàn Thượng Hải đều chìm trong “sắc đỏ.”

Nguyên nhân của "cơn bão" này xuất phát từ những lo ngại về sự suy giảm kinh tế ngày càng rõ rệt của Trung Quốc và lãi suất cao liên tục của Mỹ làm xáo trộn tâm lý nhà đầu tư.

Ngày 18/8, chỉ số HangSeng trên sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc), tính từ thời điểm thị trường mở cửa đến lúc đóng phiên giao dịch, đã giảm 2,1%. So với mức điểm cao nhất mà chỉ số này đạt được vào tháng 1/2023, con số giảm là gần 21%.

[Thị trường chứng khoán có thể xuất hiện nhịp phục hồi trong tuần tới]

Trong ngày hôm đó, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Evergrande đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án Mỹ.

Điều này dẫn đến sự sụt giảm lớn không chỉ trên sàn giao dịch HongKong, nơi Evergrande niêm yết cổ phiếu, mà còn tác động tới các loại cổ phiếu khác nhau, trên khắp các thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Chỉ số tổng hợp EURO Stoxx 600 cũng chứng kiến phiên cuối tuần đi xuống, với mức giảm đo lường được là 1% trong ngày 18/8 và 3% trong tuần tính từ 14-18/8.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) đã có một tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023, trong khi các chỉ số chủ chốt như S&P 500 và Nasdaq 100 đều ghi nhận tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.

Giám đốc công ty đầu tư AJ Bell Investment Russ Mold nhận định mọi thứ đang bắt đầu trở nên tồi tệ hơn.

Theo ông Mold, bối cảnh kinh tế thế giới không có nhiều điểm sáng, trải rộng trên khắp các châu lục. Tại châu Á, đó là cuộc khủng hoảng đang âm ỉ trên thị trường bất động sản Trung Quốc, tại châu Mỹ là sự gia tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ do lo ngại lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và tại châu Âu, doanh số bán lẻ của Anh đã sụt giảm nghiêm trọng và nước Đức chìm vào suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Sự đi xuống của các thị trường chứng khoán trong ngày 18/8, cộng với biên bản cuộc họp tháng Bảy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa được công bố, cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn theo đuổi quan điểm diều hâu, sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa để giảm tốc độ tăng giá một cách bền vững tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà quản lý cấp cao tại Ngân hàng Barclays, Emmanuel Cau, mô tả các thị trường bị ảnh hưởng bởi một “cơn bão hoàn hảo,” trong bối cảnh lãi suất tăng vọt, dữ liệu kinh tế xấu đi ở Trung Quốc, tính thanh khoản kém trong mùa Hè (thời gian cao điểm tiêu dùng) và nhu cầu của người mua sụt giảm trên hầu khắp các thị trường.

Tại Anh, một phần do thời tiết ẩm ướt với các cơn mưa kéo dài liên tục, doanh số bán lẻ trong tháng 7/2023 đã giảm 1,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo bình quân giảm 0,5% mà các nhà kinh tế đã đưa ra tại cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Reuters thực hiện, góp phần làm lung lay tâm lý của nhà đầu tư.

Chủ tịch tổ chức Independent Strategy David Roche cho rằng việc chưa thể đánh giá chính xác rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô sẽ khiến triển vọng suy thoái lớn hơn ở nhiều nơi trên thế giới.

Hội nghị Jackson Hole - hội nghị thường niên của giới lãnh đạo ngân hàng thế giới - do Fed tổ chức vào ngày 25/8, cùng với việc một loạt nền kinh tế lớn sẽ sớm công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) đang thu hút sự chú ý từ các đầu tư, có khả năng định hình hướng đi cho các thị trường chứng khoán trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục