Thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận kết quả tốt nhất trong 5 năm cho quý 1 năm 2024, chủ yếu nhờ hy vọng về kịch bản “hạ cánh nhẹ nhàng” của nền kinh tế Mỹ và sự hào hứng đối với công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu đã tăng 7,7% tính từ đầu năm đến nay, mức cao nhất kể từ năm 2019.
Cùng với đó, cổ phiếu tỏ ra vượt trội hơn trái phiếu với tỷ suất lợi nhuận lớn nhất trong bất kỳ quý nào kể từ năm 2020, ngay cả khi các nhà giao dịch giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm giảm lãi suất.
Mức tăng trên chủ yếu được hỗ trợ bởi chỉ số tổng hợp S&P 500. Riêng trong quý 1 năm 2024, chỉ số này đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục tới 22 lần và tăng tới 10,2%, giúp chỉ số này có được quý 1 tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 5,6% và 9,1% trong cùng kỳ. Sự bùng nổ của công nghệ AI đã thúc đẩy đà đi lên của thị trường.
Đáng chú ý, giá trị thị trường của nhà thiết kế chip Nvidia đã tăng thêm hơn 1.000 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tương đương khoảng 1/5 tổng lợi nhuận của thị trường chứng khoán toàn cầu vào cùng giai đoạn đó.
Tại Mỹ, những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ đã thúc đẩy chứng khoán bất chấp lạm phát tăng bất ngờ trong tháng Một và tháng Hai năm nay - điều khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về kịch bản Fed có sáu lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Hiện các thị trường đồng ý với dự báo của Fed về việc sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm để đưa lãi suất rời khỏi mức cao nhất trong 22 năm hiện thời là 5,25-5,5%.
Làn sóng phục hồi do nhóm cổ phiếu công nghệ thúc đẩy ở Phố Wall dần dần mở rộng trong suốt quý 1, giúp các thị trường chứng khoán ở châu Âu và Nhật Bản bắt đầu vượt qua Mỹ.
Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh, Dax 30 của Đức, CAC 40 của Pháp và Ibex 35 của Tây Ban Nha đều có mức tăng vượt trội so với S&P 500 trong tháng 3/2024.
Tốc độ phục hồi nhanh của Phố Wall đã bắt đầu giảm bớt trong tháng trước, khi các chỉ số toàn cầu cùng những lĩnh vực ngoài công nghệ bắt kịp đà tăng do “cơn sốt” AI thúc đẩy trước đó tại Mỹ.
Dẫn đầu trong số các thị trường lớn là Nhật Bản. Niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế và giá cổ phiếu liên quan đến chip trong nước này tăng cao đã thúc đẩy chỉ số Topix tăng 16,2% trong quý 1 năm 2024, đưa chỉ số này tiến gần đến mức cao nhất từng đạt được vào năm 1989.
Cùng với đó, các chỉ số chứng khoán đều tăng ngay cả khi lãi suất trái phiếu chính phủ tăng, phản ánh tình hình lạm phát đang hạ nhiệt và khả năng suy thoái kinh tế giảm bớt.
Khoảng 2/3 số nhà quản lý quỹ toàn cầu tham gia cuộc khảo sát mới nhất của ngân hàng Bank of America (BofA) không kỳ vọng Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới - tăng đáng kể từ mức chỉ hơn 10% ghi nhận hồi đầu năm 2023.
Lần đầu tiên sau hơn hai năm, phần lớn các nhà đầu tư cũng kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng trưởng trong trung hạn. Giá cổ phiếu đi lên cũng phản ánh nhu cầu về tài sản rủi ro ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Theo ngân hàng HSBC, chỉ trong một ngày trong tháng 1/2024, giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia đã tăng khoảng 277 tỷ USD - gần tương đương với giá trị thị trường của tất cả các công ty niêm yết ở Philippines.
Lợi nhuận đáng kể tương tự đối với các tài sản rủi ro khác đã khiến một số nhà quan sát thị trường so sánh đợt phục hồi hiện tại với “bong bóng dotcom” vào năm 2000.
Nhưng chiến lược gia Stephen Suttmeier của BofA cho rằng với thời gian của các đợt phục hồi trước đây của thị trường chứng khoán bắt đầu vào năm 1950 và 1980 lần lượt kéo dài 16 năm và 20 năm.
Do đó, thị trường giá lên hiện tại - bắt đầu vào năm 2013 - đang ở trung kỳ và có thể kéo dài đến năm 2029 hay thậm chí năm 2033.
Một số nhà quan sát khác chỉ ra rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng đột ngột hoặc suy thoái kinh tế bất ngờ xảy ra, những mức tăng trưởng ấn tượng nêu trên của thị trường chứng khoán vẫn có thể bị thổi bay.
Ông Kevin Gordon, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Charles Schwab, cho biết Fed có thể gặp khó khăn nếu bắt đầu hạ lãi suất trong bối cảnh thị trường lao động yếu đi nhưng lạm phát kéo dài đà tăng./.
Hầu hết các thị trường hàng hóa và chứng khoán thế giới sụt giảm nhẹ
Triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed bị đẩy lùi từ tháng 4 sang tháng 6 khiến tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến mức sụt giảm nhẹ trên hầu hết các thị trường hàng hóa và chứng khoán thế giới.