Chỉ số VN-Index đang phục hồi khá nhanh sau khi đợt lao dốc về ngưỡng 1.165 điểm trong tháng Năm. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá xu hướng thị trường trong tháng Sáu không có nhiều thông tin đủ mạnh, ở cả chiều tích cực cũng như tiêu cực.
Thiếu vắng động lực
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Ban Chiến lược, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay vì thiếu thông tin hỗ trợ, khả năng thanh khoản của thị trường trong tháng Sáu sẽ cải thiện, song ở mức nhẹ so với bình quân của tháng Năm.
Chuyên gia này đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam còn gặp nhiều thách thức đến từ những yếu tố vĩ mô bên ngoài, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt, diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường khi giá năng lượng và lương thực leo thang do chịu tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraina.
Theo bà Lam, các yếu tố trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới diễn biến lạm phát trong nước, qua đó tạo ra lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường chứng khoán trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và thiếu vắng thông tin tích cực mang tính lan tỏa.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI chỉ ra chính sách “Zezo COVID” của Trung Quốc cũng gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện, cả thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam đều giảm gần 14% so với đầu năm, điều này cho thấy các thách thức trên đã phần nào đã phản ánh vào giá chứng khoán.
Tương quan thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ:
Trong nước, bà Phương cho rằng dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân khó có khả năng cải thiện mạnh trong tháng Sáu do tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng. Mặt khác, thị trường bất động sản dự kiến cũng có những khó khăn nhất định do mặt bằng giá đã ở mức cao trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang đảo chiều đi lên.
“Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy ‘sức khỏe’ của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết,” bà Phương trao đổi.
Trong "nguy" có "cơ"
Trên thị trường, số liệu từ báo cáo của SSI cho thấy giao dịch các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trong tháng Năm và tập trung giải ngân ở các nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ.
Bà Phương cho hay dòng vốn dẫn dắt khối ngoại trên thị trường trong thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Cụ thể, tổng dòng vốn ETF bơm ròng trong tháng Năm đạt gần 4.900 tỷ đồng, nâng tổng giá trị vốn lũy kế từ đầu năm đến nay lên 6.700 tỷ đồng. Ngoài ra, các quỹ chủ động cũng đảo vị thế mua ròng là 272 tỷ đồng.
Về điều này, nhóm phân tích của VDSC kỳ vọng các quỹ ETF (như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE) có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn nhờ các yếu tố nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực.
Báo cáo của VDSC chỉ ra mức định giá P/E (chỉ số giá/lợi nhuận) năm 2022 của VN-Index là 13,9 lần và mức tăng trưởng EPS (lợi nhuận/cổ phiếu) dự phóng năm 2022 là 18% (tại ngày 3/6). Thêm vào đó, việc giá trị của VNĐ đang mạnh hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia (như Thái Lan và Đài Loan) là một yếu tố tích cực hỗ trợ xu hướng hút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này.
Do đó, nhóm phân tích VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF đối với các lựa chọn trong ngắn hạn.
Quyết định xu hướng tại khu vực 1.280 điểm?
Mặc dù giữ quan điểm thận trọng về triển vọng của thị trường, song bà Phương dự báo nửa cuối của năm, thị trường chứng khoán có thể kỳ vọng vào các ngành (bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh) dự kiến sẽ hồi phục tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh và gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu được triển khai sớm và đúng định hướng sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Về quan điểm kỹ thuật, nhóm phân tích của SSI đánh giá khu vực 1.280 điểm sẽ quyết định xu hướng của VN-Index trong giai đoạn tháng Sáu. Trong trường hợp khu vực này được duy trì, VN-Index nhiều khả năng sẽ mở rộng đà hồi phục kỹ thuật lên vùng 1.300 -1.330 điểm. Song, nếu vùng 1.280 điểm bị xuyên thủng, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.261-1.250 điểm.
Với quan điểm khá tương đồng, nhóm phân tích của VDSC kỳ vọng thị trường chứng khoán trong nước sẽ không có nhiều phiên bán tháo tương tự như trong tháng Năm. Theo đó, VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.240-1.350 điểm cho đến khi thị trường có thêm “chất xúc tác” để chỉ số xác định rõ xu hướng.
“Cân nhắc đến các yếu tố thông tin, dòng tiền hay định giá, có thể thấy thị trường đang ở thế cân bằng yếu. Do vậy, chiến lược đầu tư cho mục tiêu trung, dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đòn bẩy để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường. Tuy nhiên, việc giải ngân cần có sự kiên nhẫn và chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào,” báo cáo của VDSC đưa ra khuyến cáo./.