Thị trường chứng khoán thế giới đang tiến dần đến thời kỳ khó khăn?

Năm 2018 đang trôi đi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người tham gia thị trường chứng khoán nên nhớ rằng đang tiến gần hơn tới thời hạn phải trả nợ cho những thành quả phục hồi ngày hôm nay.

Năm 2018 đang trôi đi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người tham gia thị trường chứng khoán nên - và chắc chắn sẽ - ghi nhớ trong đầu rằng chúng ta đang tiến gần hơn tới thời hạn phải trả nợ cho những thành quả phục hồi ngày hôm nay.

Những hoạt động quay cuồng của thị trường vốn trong những ngày gần đây cho thấy một điều rằng việc nhận thức được “ngày tính sổ” không thể tránh khỏi đó đã bắt đầu hiện rõ.

Bản dịch bài viết nhận định về thị trường chứng khoán được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Thị trường chứng khoán thế giới đang tiến dần đến thời kỳ khó khăn? ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán ở Frankfurt am Main, miền tây Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tâm trạng lạc quan ban đầu vốn đã xuất hiện trong những ngày đầu năm mới 2018 của nhiều nhà đầu tư đã bị giáng một đòn nặng nề do những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế bắt nguồn từ những đợt tăng lãi suất.

Nhưng sẽ không có ai cảm thấy bất ngờ nếu sự sụt giảm mạnh mẽ hiện nay trên thị trường chứng khoán sẽ được tiếp nối bằng việc nhanh chóng quay trở lại với tâm lý thị trường giá đi lên, ít nhất là trong ngắn hạn.

Bất chấp tình trạng suy giảm gần đây, tâm lý hồ hởi với thị trường chứng khoán dường như vẫn đi ngược lại với tâm trạng lo âu của các nhà lãnh đạo chính trị.

Những người tham gia thị trường chứng khoán có thể dễ dàng được thông cảm cho tâm trạng phởn phơ hồi đầu năm của họ.

Sau năm 2017 với không nhiều biến động, các dữ liệu kinh tế vĩ mô chủ chốt - về tình trạng thất nghiệp, lạm phát, và tâm lý người tiêu dùng và giới doanh nghiệp - cũng như những dự báo về GDP, cho thấy triển vọng một sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2018.

Những gì đạt được - ở Mỹ và ở tất cả các nền kinh tế lớn nhất - là một điểm lạc quan hiếm hoi trong suốt thập niên qua.

Trước hết, những dữ liệu vĩ mô tỏ ra ăn khớp với nhau một cách tích cực và tỷ lệ lạm phát có vẻ không đáng ngại lắm.

Ngoài ra, việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây nâng dự báo khi đánh giá lại những dữ liệu tăng trưởng toàn cầu đã diễn ra đúng vào thời điểm, theo chu kỳ, là lúc nền kinh tế thường cho thấy những dấu hiệu suy giảm.

Hơn nữa, những mức cao kỷ lục của thị trường chứng khoán giờ đây không dựa nhiều vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ được nới lỏng nữa.

Tâm lý giá lên của thị trường chứng khoán được củng cố bởi bằng chứng về một sự tăng nhẹ đáng lưu ý trong đầu tư vốn.

Tại Mỹ, tổng đầu tư quốc nội của lĩnh vực tư nhân tăng 5,1% so với cùng kỳ trong quý 4 của 2017 và cao hơn gần 90% so với thời điểm thấp nhất của thời kỳ diễn ra cuộc Đại suy thoái vào quý 3/2009.

Đây là biểu tượng cho sự hồi phục mạnh mẽ về chi tiêu của công ty - như được chứng kiến về số lượng đơn đặt các mua hàng hóa lâu bền.

Những đơn đặt hàng mới cho hàng hóa lâu bên được sản xuất ở Mỹ đã vượt quá mong đợi, tăng 2,9% trong tháng 12 và 1,7% trong tháng 11 so với những tháng cùng kỳ năm ngoái.

Những dữ liệu khác cũng cho thấy một tình hình tương tự. Trong năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp và công nghiệp phục vụ công cộng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã có mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010, tăng tới 3,6%.

Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại cam kết ông sẽ tìm kiếm 1.500 tỷ USD để chi cho cho các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và công sở cũng sẽ giúp củng cố hơn nữa tâm lý thị trường.

Tất cả tâm lý giá lên của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đối lập hoàn toàn với những lời cảnh báo của nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Thị trường chứng khoán thế giới đang tiến dần đến thời kỳ khó khăn? ảnh 2Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chỉ mới cách đây vài tuần, Thủ tướng Đức Angela Markel đã lên tiếng cảnh báo rằng trật tự quốc tế hiện nay hiện đang bị đe dọa.

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý rằng toàn cầu hóa đang ở trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, trong khi Thủ tướng Canada Jusstin Trudeau tuyên bố rằng tình trạng hỗn loạn mà chúng ta chứng kiến trên toàn thế giới là rất rõ ràng và “chưa có dấu hiệu biến mất.”

Cho dù những nhận định điều chỉnh này có phản ánh tâm trạng lo ngại của họ hay không, các chính trị gia cuối cùng vẫn tỏ ra đúng. Vì một lý do là nguy cơ địa chính trị vẫn hiển hiện đáng kể.

Chỉ số Chủ nghĩa dân túy trong Thế giới Phát triển của Công ty quản lý đầu tư Mỹ Bridgewater Associates đã lên tới điểm cao nhất trong năm 2017 kể từ những năm 1930, dựa trên những số liệu được tính gộp từ các phong trào dân túy ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, và Italy.

Chừng nào chủ nghĩa dân túy vẫn tiếp tục lẩn khuyất như một mối đe dọa chính trị, thì sẽ có nguy cơ xuất hiện những chính sách thương mại theo chính sách bảo hộ mậu dịch, đồng thời việc tăng cường những biện pháp kiểm soát vốn sẽ là điều không thể loại trừ, và điều này có thể làm chệch triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán thế giới đang tiến dần đến thời kỳ khó khăn? ảnh 3Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại đánh giá sai những thách thức muôn thuở về cấu trúc, đặc biệt là gánh nợ toàn cầu thiếu bền vững đang tăng lên cũng như về triển vọng tài chính u ám, đặc biệt là ở Mỹ, nơi cái giá phải trả cho tình trạng phục hồi hiện nay là một mức thâm hụt đang tăng lên.

Nói cách khác, thành quả kinh tế ngắn hạn hiện đang được hỗ trợ bởi những chính sách - điều đang đe dọa sẽ nhấn chìm nền kinh tế về dài hạn.

Ví dụ, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo rằng thâm hụt của Mỹ đang trong quá trình sẽ tăng gấp 3 lần trong 30 năm tới, từ mức 2,9% GDP trong năm 2017 lên tới 9,8% trong năm 2047.

CBO cảnh báo: “Triển vọng khoản nợ lớn và tăng nhanh như vậy sẽ đặt ra những nguy cơ thực chất với những thách thức to lớn cho đất nước cũng như cho các nhà hoạch định chính sách hiện nay.”

Sự khác biệt gay gắt trong cách đánh giá giữa các nhà lãnh đạo thuộc giới kinh doanh và các nhà lãnh đạo chính trị chủ yếu có gốc rễ ở khoảng thời gian mà họ làm chủ.

Phần lớn các CEO, do bị hạn chế bởi việc họ phải tập trung vào khoảng thời gian chớp nhoáng của thị trường chứng khoán để tính toán thua thiệt, nên họ chỉ tập trung vào khoảng thời gian 12 tháng tới, trong khi các chính trị gia lại tập trung vào triển vọng mang tính trung hạn hơn.

Với việc năm 2018 đang trôi đi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người tham gia thị trường chứng khoán nên - và chắc chắn sẽ - ghi nhớ trong đầu rằng chúng ta đang tiến gần hơn tới thời hạn phải trả nợ cho những thành quả phục hồi ngày hôm nay.

Những hoạt động quay cuồng của thị trường vốn trong những ngày gần đây cho thấy một điều rằng việc nhận thức được “ngày tính sổ” không thể tránh khỏi đó đã bắt đầu hiện rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục