Tuần qua, thị trường chứng khoán Phố Wall diễn biến tích cực sau khi những lo ngại liên quan đến ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) lắng dịu và lạm phát của Mỹ và châu Âu đều giảm tốc.
Thông tin ngân hàng First Citizens có trụ sở tại Bắc Carolina sẽ tiếp quản phần lớn hoạt động kinh doanh của SVB đã là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần cuối cùng của tháng Ba (27-31/3).
Trong tuần qua, chỉ có 1 phiên duy nhất các chỉ số chính của thị trường giảm nhẹ là 28/3 khi đồng USD giảm giá - phản ánh những lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã giảm bớt.
Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh cảm giác rằng "nền kinh tế Mỹ đang suy yếu" đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất.
Nhìn chung phần lớn tâm lý nhà đầu tư là tích cực với 4 phiên còn lại thị trường đều ở trong sắc xanh.
Các nhà chức trách đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, giúp trấn an các nhà đầu tư sau vụ sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ và việc bán khẩn cấp “gã khổng lồ” ngân hàng Credit Suisse.
[Cuộc khủng hoảng ngân hàng - cú sốc khiến Fed “rà phanh” lãi suất]
Trong bối cảnh những lo ngại về ngành ngân hàng được gác lại, số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng nhẹ, đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể tăng lãi suất chậm lại nếu thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt.
Báo cáo công bố ngày 31/3 cho thấy lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 3/2023 "giảm tốc" còn 6,9%, thấp hơn mức dự báo, nhờ giá năng lượng giảm. Trước đó, lạm phát của Eurozone tăng 8,5% trong tháng 2/2023.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát “ưa thích” của Fed, cho thấy lạm phát tháng Hai chỉ tăng 5%, giảm từ con số 5,3% của tháng trước.
Thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều khởi sắc khi nhà đầu tư kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thêm không gian để giảm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng đang lấy lại sự ổn định.
Cụ thể, khép lại phiên 31/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 13% lên 33.274,15 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,4% lên 4.109,31 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 1,7% và đóng cửa phiên ở mức 12.221,91 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,2%, S&P và Nasdaq tăng lần lượt 3,5% và 3,4%.
Số liệu tháng 3/2023 cho thấy Dow Jones tăng 1,9%, S&P 500 tiến thêm 3,5% và chỉ số công nghệ Nasdaq có kết quả tốt nhất khi tăng đến 6,7%.
Đáng chú ý, Nasdaq Composite đã tăng 16,8% trong quý I/2023 - ghi nhận mức tăng hàng quý cao nhất kể từ tháng 6/2020.
S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 15/2 và tăng 7% trong ba tháng đầu năm, nhờ lĩnh vực công nghệ tăng 21,5%. Chỉ số Dow Jones tăng 0,4%.
Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại công ty dịch vụ tài chính LPL Financial (Mỹ), nhận định rằng thị trường chứng khoán dường như rất phấn khởi khi lạm phát giảm nhẹ. Điều này cho thấy chiến dịch tăng lãi suất để giảm lạm phát của Fed trên thực tế đang phát huy tác dụng.
Trong năm ngoái, Fed đã liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Với những diễn biến mới đây, tỷ lệ đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 5/2023 vào khoảng 50%, trong khi tỷ lệ dự đoán lãi suất được “đóng băng” cũng ở mức tương tự.
Danni Hewson, trưởng bộ phận phân tích tài chính tại công ty môi giới và đầu tư tài chính AJ Bell (Anh), cho rằng lạm phát vẫn còn cách xa mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra nhưng mức giảm đáng kể trong những tháng gần đây có thể giúp họ có thêm thời gian suy nghĩ và cơ hội để đánh giá những nguy cơ tiềm tàng trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh đó, khả năng các ngân hàng thương mại cắt giảm quy mô cho vay đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương cũng sẽ không cần tăng lãi suất nhiều như dự kiến.
Về phía thị trường châu Âu, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,7% và đóng cửa phiên 31/3 ở mức 4.315,05 điểm. Các thị trường chủ chốt như London (Anh), Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) cũng tăng nhẹ./.