Ngày 13/4, thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ sau khi VN-Index đi xuống 3 phiên liên tiếp trước đó (lùi về gần mức đáy kể từ đầu năm). Trên thị trường, lực cầu giá cao lan rộng ra tất cả các dòng cổ phiếu, nhờ đó VN-Index lấy lại đà tăng 21,95 điểm và lên mức 1.477,2 điểm. Cùng chung xu hướng, HNX-Index cũng cộng thêm 6,44 điểm, lên mức 472,45 điểm và UpCoM-Index tăng 0,77 điểm, lên mức 113,3 điểm.
Trong phiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng giá mạnh, top 10 cổ phiếu tạo hậu thuẫn cho VN-Index trong phiên, bao gồm GVR, FPT, VIC, TPB, NVL, DGC, MWG, BVH, CTG và GAS.
Diễn biến giao dịch trong phiên, đà tăng của thị trường được củng cố khi các nhóm ngành đều có được sắc xanh, trong đó nhóm cổ phiếu thiết bị điện tăng mạnh nhất, với trên 5% giá trị vốn hóa; các nhóm công nghệ thông tin, sản xuất nhựa-hóa chất và bảo hiểm tăng hơn 4%.
Diễn biến giao dịch trong phiên ngày 13/4:
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu “trụ cột” ngành ngân hàng tăng trưởng khá tốt, ngoại trừ ba mã VCB, VPB, TCB đi ngang, còn lại các mã khác trong nhóm đều tăng giá, cụ thể mã BID, CTG, MBB, STB. SHB… tăng trên 1%.
Nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC (FLC, ROS, HAI, ART, AMD, KLF) đã thoát khỏi đà giảm sàn; trong đó hai mã FLC và ROS chỉ còn giảm nhẹ, đóng cửa ở các mức tương ứng 8.800 đồng/cổ phiếu và 5.110 đồng/cổ phiếu. Riêng cổ phiếu KLF đã tăng kịch trần và chốt phiên ở mức 5.200 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường vẫn có triển vọng tích cực.
Báo cáo gần đây của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay và tăng mạnh hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng cao. Điều này giúp đẩy mạnh hoạt động thương mại trong cả nước và cộng thêm các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng đang tiếp tục được thực hiện.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 sẽ khả quan hơn khi khu vực công nghiệp sản xuất và các ngành dịch vụ phục hồi trở lại mức bình thường. Nhìn chung, các dự báo từ các tổ chức quốc tế đều đưa ra con số từ 6-7% cho tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022./.