Sau khi các thông tin về kết quả kinh doanh dần qua đi, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Cùng đó, đà tăng của thị trường diễn ra trong thời gian khá dài khiến áp lực chốt lời tăng mạnh.
Chốt phiên hôm nay 3/8, VN-Index giảm 9,48 điểm xuống 1.210,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 21.618 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 311 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,54 điểm xuống 239,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 101,2 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.791 tỷ đồng. Toàn sàn có 72 mã tăng giá, 123 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên 91,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 989 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã tăng giá, 138 mã giảm giá và 90 mã đứng giá.
Thực tế, sau nhịp tăng dài, giới phân tích đã có những cảnh báo về thị trường có khả năng điều chỉnh của thị trường.
[Chứng khoán nối lại mạch tăng trong phiên giao dịch ngày 2/8]
Chốt Trước phiên giao dịch hôm nay, các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn thị trường đang chững lại sau nhịp bùng nổ và có thể có các phiên điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong trung hạn xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn được duy trì và trong xu hướng này các nhịp tăng và điều chỉnh ngắn hạn liên tiếp sẽ còn diễn ra với vùng mục tiêu của VN-Index là khu vực 1.300 điểm.
Cũng sau phiên giao dịch hôm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định trong các phiên tới, thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa và bật nảy về mặt điểm số, nhưng rủi ro trong ngắn hạn đã gia tăng và VN-Index có thể sẽ có những phiên điều chỉnh bất ngờ.
Sau phiên giao dịch hôm nay (3/8), VCBS cho biết, áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều đã khiến VN-Index liên tục mất điểm, lùi về khu vực 1.210.
Diễn biến rung lắc tiếp tục được ghi nhận trong phiên giao dịch sáng với sự thận trọng của nhà đầu tư khiến cho VN-Index liên tục dao động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.
Nỗ lực vượt kháng cự không thành công của nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như dầu khí, thép, bảo hiểm đã khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy e ngại và liên tục chốt lời ngắn hạn.
Về cuối phiên sáng, bên bán dần chiếm ưu thế thông qua việc thanh khoản ở chiều bán chủ động gia tăng và đạt xấp xỉ 55% tổng thanh khoản của thị trường, khiến VN-Index đã không còn giữ được sắc xanh và đảo chiều giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, lực cầu phân hóa vẫn tìm đến các cổ phiếu tiềm năng và nổi bật hơn cả là nhóm cổ phiếu bán lẻ, với mức tăng trên 2,3%.
Gần cuối phiên giao dịch, áp lực bán liên tục gia tăng với hơn 320 mã chìm trong sắc đỏ đã làm cho chỉ số chung mất điểm nhanh chóng về sát khu vực 1.210.
Tương đồng với dòng tiền khối nội, khối ngoại cũng bán ròng xuyên suốt phiên giao dịch với thanh khoản 98 tỷ đồng, tập trung bán HPG, VND, VEA.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), đà tăng kéo dài sẽ gặp thách thức khi thị trường sắp bước vào vùng trũng thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.
Đà tăng của thị trường có thể duy trì sang đầu tháng 8 nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý 2 so với quý 1 tại một số cổ phiếu trụ cột, nhưng khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8.
Trở lại diễn biến thị trường, nhóm ngân hàng trên sàn HOSE chỉ còn 2 cổ phiếu tăng giá là ACB và LPB, đây cũng là 2 mã tăng từ phiên sáng. Các mã SHB và SSB đóng cửa ở tham chiếu, còn lại giảm giá bình quân trên 1%; trong đó có các ngân hàng vốn hóa lớn hàng đầu như BID, TCB, VPB hay STB.
Nhóm dầu khí chìm sâu trong sắc đỏ, với PVI, PVS, PVC, PVD, PVB, POW, PXS… ở chiều giảm giá.
Nhóm cổ phiếu bất động nhà ở có nhiều mã diễn biến khá tích cực như NVL, DIG, DXG, IJC, NTL, QCG… duy trì đà tăng giá. Tuy nhiên cũng có nhiều mã đảo chiều giảm giá vào phiên chiều như như AGG, NLG, KDH… Đáng chú ý, cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE cũng kết phiên trong sắc đỏ.
Các nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, bảo hiểm, thép, khoáng sản, nhựa bao bì... cũng diễn biến tiêu cực với sắc đỏ chiếm ưu thế./.