Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) phiên 1/11 đều tăng điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định duy trì lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 22 năm song vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 105,95 điểm, tương đương 0,32%, lên 33.158,82 điểm. Cùng xu hướng đi lên, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 20,88 điểm (0,50%) lên 4.214,68 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 96,25 điểm (0,75%) lên 12.947,48 điểm.
[Fed giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 22 năm]
Sau khi Fed đưa ra quyết định trên, trưởng chiến lược gia thị trường Ellen Hazen của công ty quản lý đầu tư F.L.Putnam Investment Management ở Wellesley, Massachusetts (Mỹ) cho rằng rất khó để nhận định rằng liệu Fed đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hay chưa.
Trước đó cùng ngày, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm song vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Fed ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng đáng ngạc nhiên của nền kinh tế Mỹ trong quý 3/2023 nhưng cũng nhận thấy các điều kiện thắt chặt tài chính mà các doanh nghiệp và hộ gia đình phải đối mặt.
Theo Fed, “hoạt động kinh tế mở rộng với tốc độ mạnh mẽ trong quý 3” là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách Fed nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25% -5,50%, được duy trì từ tháng 7/2023.
Số liệu mới đây cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng trưởng 4,9% trong quý 3/2023.
Tuyên bố mới nhất của Fed cũng lưu ý rằng với mức tăng việc làm vẫn “mạnh” và lạm phát vẫn “tăng cao,” Fed tiếp tục xem xét “mức độ củng cố chính sách bổ sung có thể phù hợp để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.”
Tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà đầu tư đang cố gắng dự đoán xem liệu Fed có còn kế hoạch tăng lãi suất lần nữa hay không như thông báo trước đó của Fed.
Việc giữ nguyên mức lãi suất lần này cho thấy Fed vẫn đang theo dõi tác động ngày càng tăng của việc tăng lãi suất trong quá khứ khi cân nhắc hành động tiếp theo, nhận thức được "độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính."
Khoản tiết kiệm trong giai đoạn đại dịch COVID-19, kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp thấp và mức lương tăng liên tục, cho phép người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, góp phần hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Điều đó giúp giảm bớt những quan ngại về việc gia hạn thanh toán khoản vay dành cho sinh viên và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu sẽ khiến mọi người lo lắng.
Các công ty như McDonald's và Amazon đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong khi giá nhà tiếp tục tăng bất chấp lãi suất cho vay thế chấp cao đã làm giảm bớt phần nào nhu cầu mua nhà của người dân.
Kể từ khi các chương trình hỗ trợ được triển khai trong giai đoạn dịch COVID-19 bơm hàng nghìn tỷ USD vào tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình, giới phân tích đã cố gắng dự đoán thời điểm người tiêu dùng chi tiêu hết số tiền đó.
Sau khi chính phủ công bố mức tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 ấn tượng vào tuần trước, một số nhà phân tích đã đánh giá lại và cho rằng, có lẽ vẫn còn hàng tỷ USD chưa chi tiêu và nếu được chi tiêu thì có thể đẩy giá cả tăng cao hơn.
Trong khi đó, theo tổ chức nghiên cứu Conference Board, chi tiêu tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng cho dù niềm tin của người tiêu dùng giảm trong bối cảnh có không ít vấn đề gây lo ngại, trong đó có diễn biến bất ổn gần đây ở Trung Đông./.