Trong phiên giao dịch 16/2, chứng khoán Mỹ đồng loạt đi lên trong bối cảnh giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ và ngân hàng tăng vọt.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,4%, 1,7% và 2,3% lên mức 16.196,41 điểm, 1.895,58 điểm và 4.435,96 điểm.
Chứng khoán Mỹ được hỗ trợ bởi giá cổ phiếu của hai “ông lớn” trên thị trường công nghệ là Apple và Amazon cùng tăng 2,8% trong khi cổ phiếu của những công ty Trung Quốc được niêm yết tại các thị trường chứng khoán Mỹ như Alibaba, Baidu và JD.com cũng đồng loạt đi lên với mức tăng 8,9%, 3,1% và 8%.
Cùng với đó là sự khởi sắc của giá cổ phiếu các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America cũng lần lượt nhích 2%, 3,6% và 2,5%.
Trước đó, ngày 16/2, Nga và Saudi Arabia, hai nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đã nhất trí "đóng băng" sản lượng để giải quyết tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu, nhưng nói rằng để đạt được một thỏa thuận (hỗ trợ giá "vàng đen") còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất khác.
Thông tin này, tuy được đón nhận nhiệt tình, song cũng mang lại thất vọng vì giới đầu tư cho rằng thỏa thuận trên đã có thể đi xa hơn là chỉ "đóng băng" sản lượng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu của các hãng năng lượng như Royal Dutch Shell và Marathon Oil và ConocoPhillips chuyển động trái chiều nhau trong phiên 16/2.
Tuy nhiên, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, hai chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu là DAX 30 và CAC 40 tại thị trường Đức và Pháp đã lần lượt giảm 0,8% và 0,1% xuống chỉ còn 9.135,11 điểm và 4.110,66 điểm sau khi kết quả một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu ZEW đã cho thấy niềm tin đầu tư tại Đức trong tháng 2/2016 rơi xuống mức thấp nhất của 16 tháng trước những quan ngại về đà rơi tự do gần đây của giá dầu và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,7% lên mức 5.862,17 điểm./.