Sau vài phút giảm điểm lúc mở cửa, thị trường chứng khoán sáng 1/4 đã tăng trở lại với sắc xanh lan tỏa.
Đến 9 giờ 30, VN-Index đã tăng 5,16 điểm lên 667,69 điểm. Toàn sàn có 152 mã tăng giá, 81 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,52 điểm lên 93,16 điểm. Toàn sàn có 31 mã giảm giá, 26 mã tăng giá và mã 29 đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 23 mã tăng giá, trong khi chỉ còn 5 mã giảm giá và 2 mã đứng giá.
[Chứng khoán châu Á tăng điểm do Trung Quốc phục hồi kinh tế]
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup đều ở chiều tăng giá với VIC, VHM, VRE. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm đồ uống là VNM, MSN, SAB... cũng đều ở chiều giá xanh.
Ngoài ra, các mã cổ phiếu đầu ngành như HPG, PNJ, REE, FPT, BVH, VJC, PNJ... cũng ở chiều tăng giá.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến tích cực với sắc xanh lan tỏa. Các mã ACB, VCB, BID, CTG, SHB, MBB, TCB, HDB... đều tăng giá. Dù vậy, TPB lại diễn biến tiêu cực khi giảm 7% xuống giá sàn, trong khi VPB cũng giảm 0,9%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang thể hiện sự tích cực. Hầu hết các mã chính trong nhóm dầu khí đang ở chiều giá tăng như GAS, POW, PVB, PVD, PVS...
Đến 9 giờ 49 phút, VN-Idnex tăng 6,5 điểm (0,98%), trong khi HNX-ndex tăng 0,29 điểm (0,31%).
Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ra Thông báo 131 về triển khai hoạt động thị trường chứng khoán trong mùa dịch COVID-19.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 (Chỉ thị 16) về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, hoạt động giao dịch trên thị trường Chứng khoán là dịch vụ thiết yếu và phải được đảm bảo tổ chức giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống (Điểm 1, Chỉ thị 16).
Các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và thành viên thị trường thực hiện nghiêm túc các nội dung theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 86/TB-UBCK ngày 8/3/2020 và Công văn số 92/TB-UBCK ngày 13/3/2020 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công văn số 120/TB-UBCK ngày 27/3/2020 về việc triển khai hoạt động thị trường chứng khoán trong mùa dịch COVID-19.
Trước đó, trên thị trường chứng khoán thế giới, cụ thể là thị trường chứng khoán Âu-Mỹ khép phiên giao dịch cuối cùng của quý 1/2020 (ngày 31/3) trong hai sắc thái trái ngược nhau, với chỉ số Dow Jones ghi nhận quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987 giữa bối cảnh dịch COVID-19 tác động lên thị trường chung.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm hơn 400 điểm xuống 21.914,37 điểm trong phiên 31/3. Chỉ số này đã để mất hơn 23% giá trị trong quý 1/2020 trong bối cảnh Mỹ đóng cửa phần lớn nền kinh tế để đối phó với dịch COVID-19.
Hai chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm điểm khi kết thúc một quý giao dịch ảm đạm.
Trong khi đó, số liệu lạc quan về hoạt động chế tạo tại Trung Quốc đã phần nào giúp thị trường chứng khoán châu Âu đi lên.
Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 2% lên 5.671,96 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tiến 1,2% lên 9.935,85 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris nhích 0,4% lên 4.396,12 điểm.
Tại Milan, chỉ số FTSE MIB tăng 1,1% lên 17.050,94 điểm và chỉ số IBEX 35 tại Madrid cộng thêm 1,9% lên 6.785,4 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2% lên 2.770,73 điểm.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc, thước đo hoạt động chế tạo, đã bất ngờ tăng lên 52 điểm từ mức thấp kỷ lục 35,7 điểm ghi nhận trong tháng trước đó.
Trung Quốc đang dần trở lại với cuộc sống bình thường sau nhiều tháng hạn chế nghiêm ngặt, buộc hàng triệu người phải ở nhà và khiến hoạt động kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ./.