Thị trường chứng khoán đã có một tuần giao dịch trầm lắng với điểm số giảm nhẹ và thanh khoản ở mức thấp.
Thị trường phân hóa mạnh
Thị trường hồi phục trong 2 phiên đầu tuần song sau đó quay đầu giảm điểm khá mạnh tại các phiên cuối tuần. Theo đó, VN-Index đóng cửa tại mức thấp nhất tuần là 1.042,9 điểm (giảm 1% so với tuần trước). Tương tự, HNX-Index xuống mức 206,9 điểm (giảm 0,2%) và UpCoM-Index lùi về 78 điểm (giảm 0,9%).
Trên toàn thị trường, thanh khoản khá yếu khi giá trị giao dịch bình quân giảm 33% so với tuần trước và đạt 10.389 tỷ đồng/phiên (3 sàn). Tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HoSE với giá trị 319 tỷ đồng (giảm 82%). Ngoài ra, họ mua ròng 8 tỷ đồng trên sàn HNX-Index và bán ròng 14 triệu đồng trên sàn UpCoM.
Diễn biến thị trường phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành:
Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi nhóm ngành trụ cột là ngân hàng, do đó các cổ phiếu nhóm này đều điều chỉnh xuống, như VPB (-5,1%), VCB (-1,0%), CTG (-1,7%) và ACB (-2,8%).
[Cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng]
Song, lực cầu lại đặc biệt quan tâm nhóm chứng khoán vốn hóa tầm trung, như BSI (+12,9%), AGR (+23,2%) và FTS (+8,8%). Ngoài ra, sự phân hóa còn diễn ra ngay trong chính nhóm ngành bất động sản, bên tăng giá là VHM (+0,6%) và NLG (+3,0%) và bên giảm giá là NVL (-4,2%), PDR (-3,0%), DXG (-0,8%).
Hình thành vùng tích lũy
Theo ông Hinh, thị trường giao dịch trầm lắng với điểm số điều chỉnh nhẹ cộng thêm thanh khoản sụt giảm mạnh. Điều cho thấy các nhà đầu tư ở trong tâm thế thận trọng trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đến.
Ông Hinh đánh giá nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan, do môi trường lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản-chứng khoán trầm lắm, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng GDP quý 1 giảm tốc.
“Bên cạnh đó, việc kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5 đang đến gần cũng khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch và sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại,” ông Hinh nói.
Trên cơ sở đó, ông Hinh cho rằng thị trường chứng khoán khó có cơ hội bứt phá trong tuần giao dịch tới. Tuy nhiên, thị trường cũng khó có thể giảm sâu sau một loạt động thái hỗ trợ chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp-bất động sản và hạ mặt bằng lãi suất trong nước.
Mặt khác, ông Hinh cũng chỉ ra mặt bằng định giá trên thị trường đang ở vùng hợp lý.
“Trong trường hợp kết quả kinh doanh quý 1 tiếp tục kém khả quan, P/E thị trường có thể lên mức quanh 12,5 lần và đây không phải là mức cao so với mặt bằng P/E quá khứ,” ông Hinh nói.
Trên quan điểm kỹ thuật, ông Hinh nhận định nhiều khả năng VN-Index tiếp tục giao dịch lình xình trong biên độ hẹp 1.030-1.060 điểm trong tuần tới với thanh khoản thấp.
“Nhà đầu tư nên hạn chế mở mới vị thế trong tuần tới, hạn chế sử dụng đòn bẩy do thị trường chưa xác định xu hướng rõ rệt và kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp đến gần,” ông Hinh khuyến nghị.
Có quan điểm thận trọng, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích, Công ty Chưng khoán Sài gòn Hà Nội (SHS) cho rằng trong bối cảnh thị trường gần như đi ngang chặt chẽ, việc giảm điểm của VN-Index trong tuần cho thấy khả năng thị trường sẽ thoát khỏi kênh đi lên ngắn hạn. Mặc dù chưa có tín hiệu tích cực nhưng rủi ro cũng không còn cao do thị trường đang hình thành vùng tích lũy cạn kiệt.
Nhìn dài hạn, ông Thành đánh giá VN-Index vẫn đang tạo ra nền tảng tích lũy khi chỉ số này biến động theo tuần là rất ít (trong 10 tuần vừa qua).
“Thị trường đang tạo ra các sóng hồi phục với đáy sau cao hơn đáy trước, trong khi đỉnh các sóng không tăng đồng thời chu kỳ hình thành sóng đang kéo dài ra. Về trung, dài hạn, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn tích lũy chặt chẽ xoay quanh khu vực 1.000-1.100 điểm,” ông Thành chia sẻ.
Do đó, ông Thành khuyến nghị các nhà đầu tư trung, dài hạn có thể giải ngân dần để đón đầu giai đoạn tăng giá mới. Sau kỳ tích lũy này, hướng giải ngân là các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng ổn định./.