Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 7/5

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7% xuống 23.908,63 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải hạ 0,2% xuống 2.871,52 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 7/5 ảnh 1Một phiên giao dịch chứng khoán tại Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên ngày 7/5, giữa bối cảnh tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra trở nên rõ ràng hơn và mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc phủ "mây đen" lên sự lạc quan gần đây về xu hướng nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở nhiều nền kinh tế.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7% xuống 23.908,63 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải hạ 0,2% xuống 2.871,52 điểm. Chứng khoán Mumbai cũng giảm 0,9%, chứng khoán Bangkok hạ hơn 1%, chứng khoán Sydney giảm nhẹ 0,4% còn chứng khoán Seoul đi ngang.

Tuy nhiên, chứng khoán Tokyo nhích nhẹ 0,3% lên 19.674,77 điểm, sau đợt nghỉ lễ kéo dài. Chứng khoán Manila cũng tăng bất chấp số liệu cho thấy kinh tế Philippines sụt giảm lần đầu tiên trong hơn hai thập niên qua trong quý 1 vừa qua.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, lúc 16 giờ 24 phút, chỉ số VN-Index tăng 1,78% lên 796,54 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,68% lên 207,56 điểm.

Các quốc gia từ châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và các bang của Mỹ đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế, giúp các thị trường chứng khoán trên toàn cầu bật tăng sau khi lao dốc trong tháng Ba vừa qua.

Tuy nhiên, một loạt số liệu yếu kém đã nêu bật những khó khăn mà chính phủ các nước phải đối mặt để hồi sinh nền kinh tế như hàng triệu người không có việc làm và vô số công ty đang trên bờ vực phá sản.

[Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục lên điểm trong phiên 6/5]

Ngày 7/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2020 có thể giảm tới 14%. Còn sản lượng công nghiệp của Pháp trong tháng Ba vừa qua giảm 16,2% so với tháng trước đó.

Trong khi đó, Trung Quốc công bố số liệu cho biết xuất khẩu của nước này bất ngờ tăng, còn nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc tăng chủ yếu nhờ doanh số bán thiết bị y tế.

Trước đó, ngày 6/5, công ty chuyên về quản lý nguồn nhân lực ADP, cho biết lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã bị mất 20,2 triệu việc làm riêng trong tháng Tư vừa qua.

Và Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế khu vực Eurozone sẽ giảm 7,7% trong năm nay, trong khi Ấn Độ báo cáo lĩnh vực dịch vụ, chiếm hơn 50% GDP của nước này, đã sụt giảm trong tháng Tư.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng trong quan Mỹ-Trung, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo “phàn nàn” về cách thức Trung Quốc xử lý dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục