Chứng khoán châu Á kéo dài đà phục hồi trong chiều 1/12, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong khi Trung Quốc dự kiến đưa ra một cách tiếp cận chống dịch COVID-19 linh hoạt hơn.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa cao hơn, theo bước các đợt phục hồi mạnh mẽ ở Phố Wall sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông sẽ điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất.
Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,92% (257,09 điểm) và đóng cửa ở mức 28.226,08 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng tăng ngày thứ ba liên tiếp với các tín hiệu chính sách lạc quan từ Fed. Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 0,3% (7,31 điểm) và đóng cửa ở mức 2.479,84 điểm.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đồng loạt tăng sau khi chính phủ nước này phát tín hiệu chuẩn bị đưa ra cách tiếp cận thực tế hơn để chống dịch COVID-19. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong phiên này tăng 0,75% (tương đương 139,21 điểm) lên 18.736,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tăng 0,45% (14,14 điểm) lên 3.165,47 điểm.
Trên các thị trường khác, chứng khoán Sydney và Taipei đều tăng hơn 1% trong khi Singapore, Wellington, Mumbai và Bangkok cũng nằm trong vùng xanh.
Các nhà đầu tư đang ngày một hy vọng rằng giai đoạn thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ trên toàn cầu đã thành công đưa lạm phát rời khỏi mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Chính tâm lý này đã hỗ trợ các thị trường chứng khoán tăng vọt trong tháng 11 vừa qua, ngay cả khi giới hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng rằng còn nhiều việc phải làm.
[Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên đầu tuần]
Trong một bài phát biểu vào thứ Tư (30/11), Chủ tịch Fed Powell cho biết nền kinh tế chưa hoàn toàn cảm nhận được hết tác động từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của ngân hàng trung ương này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tiết chế tốc độ tăng lãi suất là hợp lý khi Fed tiến gần tới mức đủ để giảm lạm phát.
Ông Powell báo hiệu các quan chức Fed có thể nâng chi phí đi vay thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 tới, sau khi đã đưa ra mức tăng tới 75 điểm cơ bản trong bốn cuộc họp vừa qua.
Tuy nhiên, người đứng đầu Fed nói rằng vẫn cần duy trì chặt chẽ chính sách lãi suất cao "trong một khoảng thời gian" để khôi phục sự ổn định về giá cả. Điều này tương tự ý kiến từ các quan chức Fed khác, những người cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ khó đưa ra bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trước năm 2024.
Chuyên gia Stephen Innes tại công ty quản lý tài sản SPI nhận định với việc Fed sẽ không còn “mặn mà” thực hiện các đợt tăng mạnh lãi suất, diễn biến đó dường như đủ để đánh dấu mức đáy của thị trường giá xuống và mang đến một đợt phục hồi bền vững.
Ông nói thêm việc đặt cược vào mức lãi suất 5% đang mờ dần và đà tăng của thị trường có thể lan sang năm mới. Nếu lạm phát tiếp tục tăng chậm lại trong tháng 11 vừa qua, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ có một đợt tăng giá mạnh, lên tới 20% so với mức thấp gần đây.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/12, chỉ số VN-Index giảm 12,14 điểm (1,16%) xuống 1.036,28 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng 2,21 điểm (1,06%) lên 211 điểm./.