Thị trường chứng khoán châu Á ngập tràn "sắc xanh"

Trái với diễn biến ảm đạm của phiên trước, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi lên trong phiên giao dịch ngày 9/4.
Trái với diễn biến ảm đạm của phiên trước, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi lên trong phiên giao dịch ngày 9/4, nhờ báo cáo tích cực mới nhất về tình hình lạm phát của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như tâm lý hứng khởi của các nhà kinh doanh trước mùa công bố lợi nhuận quý I năm 2013 của các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, riêng chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại đảo chiều hạ nhẹ sau khi để tuột mất đà tăng mạnh vào đầu phiên, do hoạt động bán tháo chốt lời ồ ạt của giới đầu tư, giữa bối cảnh đồng yên bất ngờ tăng giá so với đồng USD.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm không đáng kể 0,24 điểm, đóng cửa ở mức 13.192,35 điểm.

Đây là lần đầu tiên chỉ số này mất điểm sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố sẽ đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế vào giữa tuần trước, nguyên nhân giúp Nikkei 225 tăng gần 10% trong tuần trước.

Trong khi đó, tại thị trường Sydney của Australia và Seoul của Hàn Quốc, chỉ số S&P/ASX200 và chỉ số Kospi lần lượt tăng 71,3 điểm (1,45%) và 2,05 điểm (0,11%), lên 4.976,81 điểm và 1.920,74 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Hong Kong và Thượng Hải cũng đồng loạt lên điểm, sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố báo cáo mới nhất cho hay tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 3/2013 thấp hơn dự kiến, đứng ở mức 2,1%.

Thông tin này đã phần nào xoa dịu những lo ngại của các nhà lập pháp Trung Quốc về nguy cơ Chính phủ sẽ phải đưa ra các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mới. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt ghi thêm 152,29 điểm (0,7%) và 14,19 điểm (0,64%), lên 21.870,34 điểm và 2.225,78 điểm.

Đêm trước (8/4), chứng khoán Mỹ "lội ngược dòng" lên điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, trước khi mùa công bố lợi nhuận quý I năm 2013 dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần này.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 48,23 điểm, tương đương 0,33%, lên 14.613,48 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 9,79 điểm (0,63%), lên 1.563,07 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tiến 18,39 điểm (0,57%), đóng cửa ở mức 3.222,25 điểm.

Sự khởi sắc của Phố Wall diễn ra ngay trước khi hãng sản xuất nhôm danh tiếng Alcoa công bố lợi nhuận quý I năm 2013, trong khi một loạt các ngân hàng Mỹ cũng dự định công bố kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm nay trong tuần.

Nhiều nhà phân tích tỏ ra lo ngại rằng doanh thu và lợi nhuận quý đầu tiên năm 2013 của khối doanh nghiệp Mỹ sẽ bị thu hẹp.

Theo số liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các công ty, tập đoàn Mỹ trong quý này sẽ chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012. Nếu dự đoán này đúng thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường toàn cầu.

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã ghi nhận các mức tăng ngoạn mục kể từ đầu năm nay, chủ yếu là nhờ những báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục rõ rệt và các doanh nghiệp Mỹ đang hưởng lợi từ điều này.

Tuy nhiên, giới đầu tư đồn đoán rằng kết quả kinh doanh quý I năm 2013 sẽ chặn lại đà tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ, thậm chí là kéo chúng rời xa các ngưỡng cao kỷ lục.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau chuyển "sắc xanh," đặc biệt là các mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,43%, lên 6.276,94 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng 0,09%, lên 3.666,78 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX ghi thêm 0,05%, lên 7.662,64 điểm. /.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chứng khoán châu Á: Một ngày "lặng sóng"

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 127,26 điểm (0,33%) lên 39.257,69 điểm, sau thông tin Nhật Bản chuẩn bị một gói ngân sách kỷ lục trị giá 735 tỷ USD cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2025.