Thị trường chứng khoán châu Á hồi phục sau hai ngày bán ra ồ ạt

Theo nhà phân tích kỹ thuật kỳ cựu Hikaru Sato của Daiwa Securities, đồng yen yếu đã giúp giới đầu tư có niềm tin để mua vào sau tình trạng bán tháo cổ phiếu trong ngày trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Insider)

Các thị trường chứng khoán châu Á ngày 12/10 hồi phục sau hai ngày diễn ra tình trạng bán ra ồ ạt do giới đầu tư quan ngại cuộc chiến thương mại leo thang, khả năng lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng lên và bình luận của Tổng thống Donald Trump về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo tăng 0,45%, tương đương 103,80 điểm, lên 22.694,66 điểm vào lúc đóng cửa. Tuy vậy, trong cả tuần qua, chỉ số này đã giảm 4,58%.

Theo nhà phân tích kỹ thuật kỳ cựu Hikaru Sato của Daiwa Securities, đồng yen yếu đã giúp giới đầu tư có niềm tin để mua vào sau tình trạng bán tháo trong ngày trước đó.

Đồng USD tăng giá lên 1 USD đổi 112,39 yen trong phiên giao dịch chiều 12/10 ở thị trường châu Á, so với mức 112,07 yen = 1 USD tại thị trường New York (Mỹ) và 112,17 yen vào cuối ngày 11/10 tại thị trường Tokyo. Đồng yen yếu có ý nghĩa tích cực đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản vì làm tăng số thu ở nước ngoài khi chuyển tiền về trong nước.

[Các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ tiếp tục 'bổ nhào']

Tại thị trường Tokyo, giá cổ phiếu Nintendo tăng 3,49% lên 40.000 yen/cổ phiếu, giá cổ phiếu Toyota tăng 0,16% lên 6.608 yen/cổ phiếu. Còn giá cổ phiếu Sony giảm 0,47% xuống 6.258 yen/cổ phiếu.

Trong khi chỉ số Hang Seng ở thị trường chứng khoán Hong Kong có lúc tăng 1,8% lên 25.714,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) cũng tăng 0,9% lên 2.606,91 điểm.

Ngày 11/10, Tổng thống Trump tiếp tục đổ lỗi cho Fed và đây là lần thứ hai trong vòng 24 giờ, ông Trump lên tiếng chỉ trích Fed vì đã tăng lãi suất quá nhanh, khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.

Trước đó, ông Trump công khai nói rằng việc Fed tăng lãi suất là nguyên nhân gây ra hỗn loạn trên thị trường chứng khoán, khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên 10/10 giảm 831 điểm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018 và sang phiên 11/10 lại tiếp tục mất 546 điểm.

Trong khi đó, số liệu chính thức công bố đầu ngày 12/10 cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9/2018 đã đạt mức cao kỷ lục mới dù phải đối mặt mức thuế quan mới của Mỹ, điều làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Cũng trong ngày 12/10, các thị trường chứng khoán Seoul, Sydney và Wellington cũng có mức tăng điểm mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục