Trong phiên giao dịch ngày 24/2, chứng khoán châu Á diễn biến mờ nhạt sau khi dao động quanh các mức cao nhất một năm rưỡi qua trong các phiên trước đó.
Giá các loại hàng hóa, đặc biệt là đồng, bất ngờ giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu ngành vật liệu đi xuống, tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu.
Ngoài ra, các chỉ số chứng khoán châu Á còn chịu sức ép giảm do giới đầu tư đang thận trọng chờ đợi sự điều chỉnh chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới thuế và tiền tệ.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,5%. Mặc dù chỉ số này vẫn ghi nhận tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp song biên độ tăng của cả tuần đã bị ảnh hưởng do diễn biến ảm đạm phiên cuối tuần.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng hạ do đồng yen mạnh lên, ảnh hưởng xấu tới cổ phiếu của các nhà xuất khẩu nước này.
Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Nhật Bản cũng đồng loạt đi xuống. Khép phiên, chỉ số Nikkei 225 mất 87,92 điểm (0,45%), xuống 19.283,54 điểm.
Tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán còn chịu ảnh hưởng xấu sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hạ dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ, trước khi ông D.Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội.
Dự kiến, một loạt số liệu kinh tế quan trọng của Nhật Bản, bao gồm sản lượng chế tạo và lạm phát cũng sẽ được công bố vào tuần tới.
Hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều. Chỉ số Hang Seng ghi dấu phiên đi xuống điểm thứ hai liên tiếp, giảm 149,16 điểm (0,62%), xuống 23.965,70 điểm, do xu hướng bán tháo diễn ra sôi động trên các thị trường cổ phiếu châu Á. Còn chỉ số Shanghai Composite lại tăng nhẹ 2,05 điểm (0,06%), lên 3.253,43 điểm./.