Thị trường chứng khoán Australia trong phiên giao dịch 15/8 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2016, giữa lúc những lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ ngày một gia tăng.
Khép lại phiên này, thị trường chứng khoán Australia đã "bốc hơi" 40 tỷ USD.
Khép phiên 15/8, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 187,80 điểm (2,85%) xuống 6.408,10 điểm, còn chỉ số All Ordinaries (Chỉ số giá trị vốn hóa thị trường) giảm 186,70 điểm (2,8%) xuống 6.490,80 điểm.
Chuyên gia phân tích thị trường Commsec Kylie Chesson nhận định sự sụt giảm tại thị trường chứng khoán Australia theo sau đà lao dốc tại thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu giữa bối cảnh có nhiều quan ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trên Phố Wall đã để mất 800 điểm và ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018.
Cũng trong phiên giao dịch này, nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng của Australia đã bị tác động mạnh nhất, đều giảm khoảng 5%, còn các mã cổ phiếu khác cũng không nằm ngoài xu hướng đi xuống này.
Về mảng tài chính, giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Australia đều giảm mạnh, trong đó Commonwealth Bank giảm 2,99%, Westpac Bank giảm 3,19%, ANZ hạ 2,96%, và Ngân hàng National Australia Bank mất 3,07%.
[Chứng khoán khởi sắc do Mỹ hoãn áp thuế một số hàng hóa Trung Quốc]
Nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng cũng hầu hết đi xuống, trong đó giá cổ phiếu của Fortescue Metals giảm 0,79%, BHP giảm 2,75% và Rio Tinto mất 2,66%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của nhà khai thác vàng Newcrest nhích nhẹ 0,27%.
Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu và khí đốt sụt giảm, với Oil Search giảm 6,70%, Santos giảm 3,52% và Woodside Petroleum giảm 6,73%. Giá cổ phiếu của các “đại siêu thị” lớn nhất của Australia cũng đi xuống như Coles (hạ 2,95%) và Woolworths (giảm 2,69%). Trong khi đó, giá cổ phiếu của Tập đoàn viễn thông Telstra giảm 1,78%, hãng hàng không quốc gia Qantas hạ 4,62% và công ty y sinh CSL giảm 3,16%.
Công ty Mizuho Securities nhận định những lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ đang gia tăng, trong khi các số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc và Đức cũng khiến giới đầu tư hạ thấp đánh giá đối với nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm suy yếu nhu cầu toàn cầu. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 17 năm, trong khi đầu tư và doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giảm tốc. Bên cạnh đó, phong trào biểu tình kéo dài suốt nhiều tuần qua tại Hong Kong cũng làm gia tăng bất ổn./.