Thị trường châu Á phiên đầu năm 2022: Vàng đi ngang, dầu khởi sắc

Giá vàng tại thị trường châu Á duy trì ổn định ở sát mức cao nhất 6 tuần trong khi giá dầu lại chứng kiến phiên giao dịch đầu năm khởi sắc khi các nhà cung cấp hướng tới cuộc họp chính sách của OPEC.
Thị trường châu Á phiên đầu năm 2022: Vàng đi ngang, dầu khởi sắc ảnh 1Vàng miếng được trưng bày tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 3/1, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, giá vàng tại thị trường châu Á duy trì ổn định ở sát mức cao nhất sáu tuần.

Biên độ giao dịch của phiên này khá hẹp, với nhu cầu mua vào các tài sản an toàn được thúc đẩy bởi số ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron tiếp tục tăng cao, song điều đo không đủ sức lấn át đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ để giúp giá vàng đi lên.

Trong khi đó, giá dầu châu Á lại chứng kiến một phiên giao dịch đầu năm khởi sắc khi các nhà cung cấp dầu vẫn đang tập trung vào cuộc họp chính sách sắp tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, dù cho diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch vẫn đang đe dọa triển vọng tiêu thụ “vàng đen.”

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.824,74 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/11 là 1.831,62 USD/ounce vào đầu phiên.

Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn hạ nhẹ 0,1%, xuống 1.826,40 USD/ounce. Giá bạc giao ngay giảm 0,7%, xuống 23,10 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,1%, lên 963 USD/ounce, còn giá palladium tiến 0,2%, lên 1896,56 USD/ounce.

Jigar Trivedi, nhà phân tích hàng hóa tại Anand Rathi Shares, công ty môi giới có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) cho biết số ca nhiễm COVID-19 gây ra bởi biến thể mới Omicro đang tăng lên, và điều đó đang hỗ trợ cho vàng.

Tuy nhiên, các phát hiện gần đây cho thấy biến thể này không gây ra các triệu chứng quá nghiêm trọng như biến thể Delta; đó là lý do tại sao giá vàng không giảm mạnh.

Hoạt động giao dịch trong phiên này còn thưa thớt vì hầu hết các thị trường vẫn đang đóng cửa nghỉ lễ Năm Mới và vàng được dự báo sẽ duy trì trong khoảng từ 1.815 USD/ounce đến 1.830 USD/ounce trong ngắn hạn.

Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc vào năm 2021 đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2013. Lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD phiên này đứng ở gần mức thấp nhất trong một tháng ghi nhận vào ngày 31/12, qua đó thúc đẩy nhu cầu mua vàng bởi nó khiến giá kim loại quý này rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

[Giá vàng có thể tăng trong những phiên giao dịch đầu năm 2022]

Các kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới thường là thời gian cao điểm cho việc di chuyển bằng đường hàng không, nhưng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đã dẫn đến sự gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19 và hạn chế đáng kể việc tổ chức các lễ hội Năm mới trên toàn thế giới.

Nhà phân tích Avtar Sandu của Phillip Futures cho biết, căng thẳng tại biên giới Ukraine và Nga sẽ khiến các nhà đầu tư quay trở lại với vàng như một nơi trú ẩn an toàn và đồng USD yếu hơn cũng góp phần nâng đỡ giá vàng trong thời gian tới.

Tại thị trường Hà Nội, lúc 15 giờ 30 phút ngày 3/1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,85-61,62 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Thị trường châu Á phiên đầu năm 2022: Vàng đi ngang, dầu khởi sắc ảnh 2Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng trong phiên này, tại thị trường New Delhi (Ấn Độ), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 56 xu Mỹ (0,72%), lên 78,34 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn tăng 52 xu (0,69%), lên 75,73 USD/thùng.

Abhishek Chauhan, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại Swastika Investmart Ltd., cho biết: “Nguồn cung dầu bị thắt chặt tại Libya trước thềm cuộc họp của OPEC + đã giữ cho tâm lý thị trường tích cực hơn.”

Công ty dầu khí nhà nước Libya ngày 1/1/2022 cho biết, sản lượng dầu của nước này sẽ giảm 200.000 thùng/ngày trong một tuần do việc bảo trì đường ống chính nối giữa mỏ dầu Samah và mỏ dầu Dahra.

Trong khi đó, bốn nguồn tin trong lĩnh vực dầu mỏ đều dự đoán rằng, tại cuộc họp chính sách ngày 4/1 tới, OPEC+ có thể vẫn duy trì kế hoạch bổ sung nguồn cung 400.000 thùng/ngày tới tháng 2/2022.

Tính chung cả năm 2021, giá dầu đã tăng khoảng 50%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đà suy giảm mạnh do đại dịch COVID-19 và nỗ lực hạn chế nguồn cung của các nhà sản xuất lớn, ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 đạt mức cao kỷ lục trên toàn thế giới.

Các nhà phân tích dầu mỏ đã hạ dự báo giá của họ cho năm 2022 vì biến thể Omicron gây khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu và có nguy cơ dư thừa nguồn cung khi các nhà sản xuất bơm thêm dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục