Brazil đang thúc đẩy một cuộc cách mạng đối với dòng xe lai (hybrid) khi các nhà sản xuất ôtô toàn cầu chạy đua “bơm” hàng tỷ USD để phát triển các dòng ôtô xanh tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.
Brazil với dân số hơn 200 triệu người đang tìm cách khuyến khích sản xuất các loại phương tiện ít gây ô nhiễm hơn tại nước này.
Trong tháng này, Stellantis - công ty sở hữu một số thương hiệu lớn với các dòng xe điện Jeep, Peugeot và Fiat - tuyên bố sẽ có khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành ôtô Brazil và Nam Mỹ.
Stellantis cho biết sẽ đầu tư 6,1 tỷ USD vào khu vực này từ năm 2025-2030, trong đó Brazil sẽ là nước được hưởng lợi nhất.
Toyota, hãng ôtô tập trung vào xe hybrid hơn xe chạy hoàn toàn bằng điện, cho biết sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD vào Brazil cho đến năm 2030.
Các hãng ôtô lớn khác như Volkswagen, Renault, Nissan, General Motors, BYD và Hyundai cũng đã công bố kế hoạch sản xuất xe điện và xe hybrid tại Brazil.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô quốc gia (Anfavea) Brazil ước tính nước này sẽ nhận được khoảng 23,4 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực ôtô trong những năm tới.
Các khoản đầu tư ồ ạt đổ vào Brazil sau khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ tăng dần thuế nhập khẩu đối với các dòng xe điện và xe hybrid để khuyến khích hoạt động sản xuất các loại xe này ở trong nước.
Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva gần đây cũng công bố chương trình miễn giảm thuế trị giá 3,8 tỷ USD cho các nhà sản xuất ôtô cam kết đầu tư vào khử carbon.
Xe hybrid có thể giúp người tiêu dùng tiết kiệm nhiên liệu đồng thời bảo đảm rằng họ sẽ không gặp khó khăn khi ở nơi xa trạm sạc công cộng. Điều này khiến doanh số bán ôtô hybrid trên toàn cầu đang tăng mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng dòng xe hybrid là “mô hình chuyển tiếp” của Brazil vì nước này chưa đủ khả năng để chuyển đổi hẳn sang xe chạy hoàn toàn bằng điện khi giá pin còn quá đắt.
Chính phủ Brazil cũng chưa đủ tiềm lực để chi trả những khoản trợ cấp đáng kể cho người tiêu dùng như các nước châu Âu. Bên cạnh đó, còn có những thách thức đáng kể về mặt logistics trong việc lắp đặt các trạm sạc công cộng tại quốc gia lớn thứ năm thế giới này.
Thay vào đó, Brazil khuyến khích sản xuất xe hybrid chạy bằng điện và ethanol chiết xuất từ mía được sử dụng phổ biến làm nhiên liệu cho ôtô trong nước. Stellantis, Toyota, Volkswagen và BYD đều cho biết họ sẽ đầu tư vào xe hybrid chạy bằng ethanol.
Chuyên gia David Tsai thuộc Viện Năng lượng và Môi trường cho biết ethanol của Brazil là nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp, có thể được sản xuất ở những khu vực hiện có mà không cần phải phá rừng.
Brazil có khoảng 60 triệu ôtô lưu thông (theo số liệu mới nhất vào năm 2022). Doanh nghiệp tư vấn Bright Consulting công bố số liệu cho thấy số lượng ô tô điện tại Brazil chiếm chưa đến 0,5% vào năm 2023.
Tuy nhiên, Hiệp hội xe điện Brazil (ABVE) cho rằng doanh số ô tô điện đã tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023.
Chuyên gia Cassio Pagliarini thuộc Bright Consulting dự báo xe điện có thể chiếm hơn 50% doanh số bán hàng vào năm 2029 nhưng chỉ 20-25% là xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Theo ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành Stellantis, điều cần thiết là những dòng xe này có thể tiếp cận được tầng lớp trung lưu.
Theo số liệu của MarkLines, doanh số xe hybrid tăng 30% trong năm 2023 tại 14 nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, lên 4,21 triệu xe. Trong khi đó, xe điện và xe lai sạc điện chậm hơn với mức tăng 28% lên 11,96 triệu xe. Xe lai chiếm 7% tổng doanh số ô tô trong năm 2023, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2021.
Lý giải cho đà tăng trưởng giảm tốc của xe điện, ông Tomoyuki Suzuki, chuyên gia của công ty tư vấn tài chính AlixPartners ở Tokyo, cho rằng sự chậm trễ trong việc đưa ra thị trường các mẫu xe điện giá rẻ đang khiến người tiêu dùng e ngại với loại xe này.
Giá xe điện của Tesla, “ông lớn” chỉ có bốn mẫu xe chính, trung bình ở mức 44.500 USD trong quý trước, giảm 15% so với một năm trước.
Trong khi đó, Toyota Motor đưa ra các mẫu xe lai ở khoảng giá từ 1 triệu yen (khoảng 6.700 USD) đến hơn 20 triệu yen. Mẫu xe Prius mới ra mắt năm ngoái có giá khởi điểm 2,75 triệu yen. Honda Motor và Nissan Motor cũng cung cấp nhiều sự lựa chọn xe lai.
Bên cạnh đó, sự tiện lợi là một vấn đề đáng quan tâm khác. Một chiếc xe điện với khoảng cách có thể di chuyển 150km phải mất ít nhất 30 phút để sạc, gấp 10 lần thời gian tiếp nhiên liệu cho một chiếc xe lai hoặc xe chạy bằng động cơ đốt trong.
Điều này khiến những người lái xe điện thường xuyên gặp cảnh quá tải tại các trạm sạc, hoặc để xe nằm không một thời gian dài để sạc.
Ngoài ra, tác dụng của các khoản trợ cấp để thúc đẩy doanh số xe điện cũng đang giảm xuống. Đức đã chấm dứt chương trình trợ cấp trước hạn vào tháng 12 năm ngoái, còn Trung Quốc cũng ngừng trợ cấp vào cuối năm 2022.
Các nhà sản xuất ôtô chuyển hướng sang xe điện để tận dụng ưu đãi cho việc sản xuất xe điện ở Bắc Mỹ theo Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ đang thay đổi ý định. Ford Motor đang thay đổi các kế hoach chi tiêu của mình, hoãn kế hoạch đầu tư khoảng 12 tỷ USD vào xe điện.
Doanh số xe điện của công ty này trong tháng Một đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số xe lai tăng 43%.
Nhu cầu xe lai gia tăng là một tin vui với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Doanh số xe điện của Toyota đã tăng 32% trong năm ngoái lên mức cao kỷ lục 3,44 triệu xe, và đang hướng đến mức 5 triệu xe vào năm 2025.
Đây là năm mà Toyota đặt mục tiêu sẽ tung ra phiên bản xe lai hoặc xe điện hóa của tất cả các mẫu xe đang được hãng này bán trên toàn cầu.
Honda ghi nhận tỷ trọng xe lai trong doanh số xe toàn cầu tăng lên khoảng 20% trong năm ngoái. Honda đã đưa ra phiên bản xe lai của mẫu xe sedan bán chạy Civic tại thị trường Bắc Mỹ vào mùa hè này.
Còn Nissan cũng đang cân nhắc tung ra một mẫu xe với công nghệ xe lai e-Power của mình tại Mỹ vào cuối năm 2026.
Phó chủ tịch điều hành Toyota Hiroki Nakajima nhận định với tình hình cơ sở hạ tầng sạc điện như hiện nay, xe lai sẽ vẫn đóng vai trò dẫn dắt, và nhu cầu dòng xe này sẽ tiếp tục tăng đến khoảng năm 2035./.