Thị trường biến động, chứng quyền có đảm bảo vẫn mang về lợi nhuận

Ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh chứng khoán-Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết các mục tiêu chính đề ra khi đưa sản phẩm CW ra thị trường về cơ bản đã hoàn thành.
Thị trường biến động, chứng quyền có đảm bảo vẫn mang về lợi nhuận ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Sau một năm chính thức triển khai giao dịch trên thị trường chứng khoán, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) bước đầu đã tác động tích cực lên thị trường cổ phiếu, góp phần gia tăng thanh khoản cho các cổ phiếu cơ sở.

Nếu như trong ngày đầu tiên niêm yết (28/6/2019), thị trường chứng khoán chỉ đón nhận 10 mã CW được chào bán dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở với khối lượng 21,9 chứng quyền thì đến nay, số lượng này đã tăng lên rất nhiều lần.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), tính đến ngày 29/5/2020, thị trường đã ghi nhận có 134 mã CW được chào bán và niêm yết trên HOSE, do 8 công ty chứng khoán phát hành ứng với tổng khối lượng chào bán là 410,2 triệu chứng quyền.

Sau 11 tháng triển khai, tổng khối lượng giao dịch CW đạt trên 990,32 triệu CW, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.481 tỷ đồng; trong đó, khối lượng giao dịch cao nhất là vào tháng 5/2020 (15,92 triệu CW) và giá trị giao dịch CW đạt cao nhất vào tháng 11/2019 (221,1 tỷ đồng).

Hiện top 3 tổ chức phát hành về giá trị phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam và và Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC). Các công ty này đang chiếm khoảng 70% tổng giá trị phát hành trên toàn thị trường CW.

Top 5 cổ phiếu cơ sở được phát hành CW là MWG, FPT, HPG, VNM và MBB. Hiện có 22 mã chứng khoán cơ sở để nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn.

[Sôi động thị trường chứng quyền có bảo đảm sau dịch COVID-19]

Ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh chứng khoán-Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết các mục tiêu chính đề ra khi đưa sản phẩm CW ra thị trường về cơ bản đã hoàn thành. CW đã được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước chào đón.

Không chỉ ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng mã chào bán, thanh khoản, hoạt động quản lý vận hành khá an toàn, nhiều nhà đầu tư, tổ chức phát hành cũng ghi nhận có lãi nhờ vào sản phẩm mới này.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết CW đang được vận hành tốt, khung pháp lý an toàn và có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán có nhiều biến động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song HSC vẫn kiếm được lợi nhuận nhờ sản phẩm này.

Tuy vậy, ông Giang cũng kiến nghị trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE xem xét rút ngắn các thủ tục phát hành, thay vì mất nhiều thời gian, thủ tục phiền hà và khá đắt đỏ như hiện nay, đồng thời xem xét phát hành trực tiếp các sản phẩm CW mà không cần IPO vì CW không phải là cổ phiếu.

Đại diện HSC cũng mong muốn danh mục cổ phiếu cơ sở sẽ được mở rộng hơn để các nhà đầu tư có thêm cơ hội lựa chọn.

Để hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, đại diện HOSE cho biết hiện HOSE đang nghiên cứu mở rộng thêm danh mục chứng khoán cơ sở, thay vì chỉ dựa trên VN30 như hiện nay cũng như có thêm các chứng quyền dựa trên các tài sản khác như chỉ số, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), nghiên cứu thêm chứng quyền bán để triển khai theo đúng lộ trình của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Mặt khác, để thị trường CW phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó tập trung vào việc tham gia sửa đổi nội dung Thông tư 107/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm theo hướng phù hợp hơn với tình hình phát triển hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục