Thị trường bất động sản dự báo vẫn hấp dẫn trong trung và dài hạn

"Thế" của các doanh nghiệp bất động sản thời điểm hiện tại phải là “phòng ngự,” ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
Chung cư Carina Plaza. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Kịch bản nào cho thị trường những tháng cuối năm nay chính là mối quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Diễn đàn “Xu hướng đầu tư bất động sản 2019," tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/5.

"Thế" của các doanh nghiệp bất động sản thời điểm hiện tại phải là “phòng ngự,” ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

Thị trường sẽ ngày càng khó khăn, suy giảm, do đó doanh nghiệp phải cẩn trọng. So với cùng kỳ năm ngoái, dường như các chỉ số đang có dấu hiệu giảm sút, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán giảm.

Chính phủ đang có nhiều nỗ lực cải cách tích cực nhằm tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh… Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng có sự giảm sút. Cụ thể, theo thống kê mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng giấy phép xây dựng giảm 16%, có 150 dự án bị dừng lại kiểm tra rà soát.

Ông Nam dẫn chứng, theo một báo cáo tổng hợp của Hội Môi giới bất động sản, lượng hàng hóa về chung cư, biệt thự tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tung ra thị trường đã giảm chỉ còn khoảng 70% so với quý 4/2018. Dù lượng hấp thụ của thị trường so với tỷ lệ hàng bán ra vẫn tốt nhưng so với lượng tuyệt đối cũng giảm rất mạnh.

Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng thị trường, ông Nam bày tỏ, điểm mạnh nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là sức cầu và thanh khoản lớn. Thống kê của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, những nước người dân có thu nhập trung bình từ 1.000-10.000 USD thường mua nhà và Việt Nam lại đang nằm trong khoảng đó.

Thị trường về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hóa còn độ mở lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có một triệu người chuyển từ khu vực nông thôn sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng, ông Nam nhìn nhận.

[Băn khoăn từ việc khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho người lao động]

Tại diễn đàn, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua vẫn chậm mặc dù Chính phủ, Quốc hội có nhiều chính sách kịp thời. Nếu so với chiến lược phát triển quốc gia, đến nay cả nước mới phát triển nhà ở xã hội đạt khoảng 33% so với nhu cầu.

Ông Khởi nêu vấn đề, liệu chính sách đã đủ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Nếu chính sách tốt rồi, tại sao các địa phương, các doanh nghiệp chưa tham gia mà chủ yếu tập trung xây dựng nhà ở thương mại.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Khởi cho rằng, đầu tư và kinh doanh bất động sản sẽ ngày càng mở rộng nhưng rõ ràng và chặt chẽ hơn; tránh tình trạng tranh chấp xảy ra. Đặc biệt, khuyến khích bất động sản cho thuê bởi cầu thì lớn nhưng hiện nay cung còn rất thấp.

Vốn cho thị trường bất động sản cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại diễn đàn. Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV, hiện Việt Nam đang có nhiều dòng vốn và nguồn vốn đổ về bất động sản tương đối nhiều.

Cùng đó, số lượng doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực bất động sản tăng khá nhanh. Tổng vốn đăng ký hiện khoảng 150.000 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư công có khoảng 244.000 tỷ đồng. Vốn FDI năm 2018 rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản khoảng 6,5 tỷ USD. Với xu hướng này, chắc chắn bất động sản công nghiệp, thương mại, nhà ở xã hội sẽ còn tăng.

Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương nhận xét, thị trường bất động sản không đến mức u ám và quá lo lắng. Bất động sản công nghiệp, nhà ở vẫn còn cơ sở để phát triển. Tuy nhiên, sẽ có 3 nhóm nổi lên gồm: bất động sản công nghiệp, nhà ở cao cấp và siêu cao cấp, nhà cho thuê ở mức độ bình dân.

Trong xu thế nguồn cung phân khúc nhà ở đã phát triển tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường bất động sản du lịch, công nghiệp, văn phòng cho thuê…

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là mảng bất động sản mà thị trường thời gian tới sẽ rất cần, nhất là trong tiến trình hội nhập với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ vào Việt Nam đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục