Thị trường bánh kẹo Tết: Hàng Việt ngày càng đa dạng chủng loại, mẫu mã

Để tránh bị lấn át bởi hàng ngoại, những năm gần đây, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc cả về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.

Sản phẩm chocolate Việt Nam có mẫu mã bắt mắt. (Nguồn: Vietnam+)
Sản phẩm chocolate Việt Nam có mẫu mã bắt mắt. (Nguồn: Vietnam+)

Bánh kẹo đóng vai trò rất quan trọng trong mâm cỗ Tết, trên ban thờ ngày Tết của người Việt. Bởi vậy, cứ mỗi dịp cuối năm âm lịch, những gian hàng bánh kẹo vốn khá “đìu hiu” ngày thường lại trở nên sôi động, rực rỡ với đủ mọi màu sắc, đủ loại mặt hàng.

Sự nỗ lực của hàng nội

Càng ngày, người tiêu dùng càng có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua sắm bánh kẹo dịp Tết. Thông thường trước đây, vào những lễ Tết hay những dịp trang trọng, những người tiêu dùng có điều kiện thường ưa chuộng các loại bánh kẹo ngoại nhập do mẫu mã đẹp, chủng loại đa dạng, chất lượng tốt và lại khá độc đáo.

Các doanh nghiệp có thương hiệu lâu đời vẫn luôn có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt với những sản phẩm bánh mứt kẹo có mẫu mã cổ điển cùng hương vị truyền thống đã gắn với hồi ức của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, để tránh bị lấn át bởi hàng ngoại, những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc cả về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.

Năm nay, Kinh Đô đưa vào thị trường hơn 40 loại bánh quy với nhiều nhãn hiệu khác nhau như LU, Oreo, Cadbury Dairy Milk... Bánh mứt kẹo Hà Nội vốn luôn “bám sát” hương vị truyền thống cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới như mứt hồng bì, mứt mận, cùng những thay đổi đáng kể trong mẫu mã, bao bì sản phẩm. Hữu Nghị cũng tung ra bộ sản phẩm đón Tết với các thương hiệu quen thuộc như Tipo, Daisy…

Chị Lan (Trần Phú, Hà Nội) cho biết chị ưu tiên lựa chọn sản phẩm bánh kẹo Việt Nam vì mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, các sản phẩm thường khá quen thuộc và hợp khẩu vị với người tiêu dùng Việt, và cũng vì mong muốn ủng hộ doanh nghiệp nội phát triển.

Năm nay, chị lựa chọn mẫu hộp quà Tết Lộc Xuân của Hữu Nghị có giá hơn 200.000 nghìn đồng để làm quà biếu người thân, họ hàng. Những hộp quà này có hộp đựng trang trí đẹp, cứng cáp gồm nhiều loại bánh khác nhau như bông lan, bánh cuộn kem, bánh kẹp kem, bánh xốp, bánh quy, nhỏ gọn nhưng đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau trong gia đình.

Sản phẩm bánh kẹo Việt với các thương hiệu quen thuộc thường có ưu thế về giá cả hơn so với bánh kẹo nhập ngoại, như bánh quy Oreo giá từ 24.500-128.000 đồng/hộp, bánh Cosy hộp thiếc từ 100.000-141.000 đồng/hộp. Những hộp mứt Tết hình lục giác cổ truyền của Bánh Mứt kẹo Hà Nội gắn liền với ký ức Tết của người Hà Nội có giá từ 75.000-105.000 đồng tùy khối lượng.

Bên cạnh đó, cũng có những sản phẩm thuộc phân khúc đắt tiền hơn, như bộ sản phẩm cao cấp của Bibica có giá 765.000 đồng gồm nhiều loại bánh quy, kẹo có mẫu mã rực rỡ mang hương vị Tết, đặc biệt có thêm sản phẩm hộp kẹo tạo dáng thỏi vàng mang ý nghĩa xin lộc cho ngày đầu Năm Mới.

Đặc biệt, hàng nội thường chiếm ưu thế với những đặc sản vùng miền như các loại mứt, ô mai, hoa quả sấy, các loại hạt bổ dưỡng như hạt điều, macca. Thay vì chỉ đơn giản đựng trong những hộp nhựa, túi nylon cùng nhãn dán có thiết kế đơn giản như trước đây, nông sản Việt đã được đựng trong những hộp, lọ kiểu dáng sang trọng hơn, thiết kế, nhãn dán bao bì, màu sắc hài hòa, hiện đại, bắt mắt hơn, đặc biệt là với những sản phẩm có giá thành cao như hạt macca, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.

Khoác tấm áo mới cho mẫu mã cổ truyền

Rồng phượng, hoa mai, hoa đào, tranh dân gian trên nền đỏ và vàng luôn là những họa tiết cơ bản và lâu đời trên những sản phẩm Tết. Nhưng càng ngày, mẫu thiết kế Tết càng trở nên đa dạng, độc đáo với nhiều chủ đề khác nhau, từ hình ảnh cách điệu 12 con giáp cho đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

vnp_banh keo tet.jpg
Những hộp quà Tết có thiết kế đẹp. (Nguồn: Vietnam+)

Dạo một vòng quanh những giỏ hàng Tết bày trong các siêu thị, có thể thấy những mẫu quà Tết rồng phượng quen thuộc chỉ chiếm số lượng nhỏ, còn lại nhiều hơn cả là những mẫu hộp quà theo phong cách hiện đại, hình thức bắt mắt với đủ rượu, trà, kẹo, bánh cũng chỉ có giá 300.000-700.000 đồng.

Đặc biệt, nhiều khách hàng thích thú với những hộp quà Tết trang trí bằng những hình vẽ, bức tranh lột tả cảnh gia đình trong ngày Tết, nét vẽ đơn giản nhưng gần gũi, tông màu ấm áp gợi nhớ đến những bữa cơm gia đình sum họp ấm cúng trong dịp Năm Mới.

Bên cạnh đó, năm nay, một số sản phẩm bánh kẹo “made in Vietnam” còn khiến người tiêu dùng ngạc nhiên bởi bao bì, mẫu mã độc đáo, mới lạ khai thác trên chất liệu dân gian cổ truyền.

Chị Phương (Hải Phòng) cho biết hôm nay là ngày nghỉ, chị cùng các con vào trung tâm thương mại chơi, tiện thể mua sắm hàng Tết tại khu vực siêu thị của tòa nhà. Tại đây, chị chú ý đến một gian hàng được bày biện rất đẹp gồm nhiều loại chocolate với các mẫu mã, hương vị đa dạng, mang thương hiệu một hãng chocolate “made in Vietnam.”

Đặc biệt, thương hiệu này bán những sản phẩm chocolate pha trộn nhiều vị với bao bì trang trí bằng những tranh vẽ miêu tả văn hóa dân gian được cách điệu đẹp mắt, ấn tượng như sân khấu cổ, áo dài, nón lá… Tuy nhiên, theo chị Phương, sản phẩm có giá thành khá cao, gần tương đương hoặc cao hơn những sản phẩm ngoại nhập cùng loại, khiến chị phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn.

Một người tiêu dùng khác lại bày tỏ quan điểm ngược lại. “Nhiều người thường kỳ vọng mua hàng chất lượng cao nhưng giá lại thấp. Nhưng tôi cho rằng giá cả sẽ đi kèm với chất lượng. Nếu bạn thật sự yêu thích và tin tưởng sản phẩm đó, bạn nên sẵn sàng trả giá như một sự tôn trọng và đánh giá cao đối với sản phẩm,” anh Duy (Hà Nội) cho biết khi đang lựa chọn quà Tết tặng gia đình bạn gái.

Cách thức lựa chọn khi mua hàng “homemade”

Bên cạnh những thực phẩm “chính quy” bán trên các cửa hàng, những năm gần đây, loại hình bánh kẹo “nhà làm” trong dịp Tết cũng vẫn luôn có một vị trí nhất định trên thị trường.

vnp_banh quy.jpg
Các sản phẩm tự làm thường có chi phí nguyên liệu cao nên giá thành cũng khá đắt. (Nguồn: Vientam+)

Vào năm 2018, một loại kẹo mang tên nougat, hay thường gọi là kẹo hạnh phúc, xuất hiện và phổ biến hơn bao giờ hết trên các phương tiện mạng xã hội, cũng như các trang, nhóm bán hàng. Loại kẹo đẹp mắt được làm từ marshmarllow nấu chảy cùng các loại hạt bổ dưỡng nhanh chóng được yêu thích, và trở nên vô cùng đắt hàng trên những shop bán hàng online, hàng homemade.

Không theo các phương thức quảng cáo cơ bản như bánh kẹo truyền thống, những người bán hàng online, những tiệm bánh homemade thường dựa theo những trào lưu đang nở rộ trên mạng xã hội để từ đó sản xuất và bán hàng. Những trào lưu này đôi khi do chính những shop bánh “cao tay” tạo ra để đi trước đón đầu, nhưng cũng giúp hàng loạt người kinh doanh khác theo đó tìm kiếm mặt hàng, khách hàng tiêu thụ sản phẩm.

Tết năm nay, các loại bánh quy, chocolate tự làm vẫn là mặt hàng được chú ý nhất. Nhiều người kinh doanh đầu tư các loại bao bì, hộp đựng chuyên nghiệp, đẹp để khách hàng có thể mang đi biếu, tặng. Khách hàng cũng chú ý nhiều hơn đến hương vị, nguyên liệu với tiêu chí “khỏe mạnh” được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, với việc khách hàng ngày càng khó tính và tinh tế hơn, những người bán hàng online cũng khó khăn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách, đặc biệt là khi giá cả của những loại sản phẩm này thường cao hơn so với sản xuất công nghiệp.

Là một người chuyên làm và bán bánh kẹo homemade, chị Huyền (Thanh Hóa) chia sẻ khách hàng thường yêu cầu giảm ngọt, tách béo, mà những sản phẩm ít ngọt, có hương vị tự nhiên thường yêu cầu các loại nguyên liệu cao cấp và đắt tiền hơn.

Hơn nữa, số lượng sản xuất cũng không đủ lớn để chị có thể nhập nguyên liệu với giá thấp nhất, bởi vậy, sản phẩm chị làm thường có giá cao hơn so với giá các sản phẩm tương tự của các thương hiệu quen thuộc. Bởi vậy, các khách hàng mới thường thận trọng khi muốn mua hàng.

Nắm bắt được tâm lý này của khách hàng, chị sẵn sàng bán các gói sản phẩm “mix” với số lượng ít để khách mua về ăn thử. Chị cũng cho biết đa số khách đều hài lòng với sản phẩm và tiếp tục mua trong những dịp sau đó.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thục phẩm cũng như sự trung thực về thành phần, nguyên liệu tại những cơ sở nhỏ, tự phát luôn là điều khiến người tiêu dùng lo lắng.

Bởi vậy, chị Huyền cũng đưa ra lời khuyên dành cho người tiêu dùng, đó là không thể hoàn toàn tin tưởng vào lời quảng cáo của người bán hàng. Mỗi khách hàng phải hãy cố gắng tự tìm hiểu về tính chất, mô tả, hương vị của thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có tính đặc thù như thuần chay, low-carb, không đường… để từ đó nhận biết được chất lượng thực tế của sản phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục