Trong những năm gần đây, hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật Bản, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào Việt Nam khiến sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ càng trở nên khốc liệt. Cùng lúc, hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng diễn ra sôi động, tạo nên sức hấp dẫn lớn của ngành bán lẻ trong nước.
Theo các chuyên gia, làn sóng đầu tư cũng như M&A từ các nhà đầu tư “ngoại” sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, song cũng là động lực để các nhà bán lẻ phải thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là khi thị trường bán lẻ là miếng bánh béo bở vô cùng hấp dẫn các “đại gia” nước ngoài.
Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực bán lẻ, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã có một số chia sẻ với phóng viên về những điểm mạnh và điểm yếu qua đó đề xuất một số giải pháp “chữa bệnh” cho thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay.
- Thưa ông, bức tranh của ngành bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, đặc biệt chính sách mở cửa thị trường đã tạo động lực lớn để các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy với nhiều năm công tác trong lĩnh vực này, ông có đánh giá như thế nào?
Đối xử công bằng
Ông Vũ Vinh Phú: Trước hết có thể thấy, mối quan hệ vốn không cân bằng giữa các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nhỏ đang dần thay đổi khi có thêm nhiều hệ thống siêu thị ra đời. Họ đã tỉ mỉ hơn, tìm hiểu người tiêu dùng kỹ hơn và đồng hành nhiều hơn với các nhà sản xuất nhỏ.
Một trong những biểu hiện của chính sách này là ưu tiên lựa chọn các nhà sản xuất chưa có thương hiệu để hợp tác làm hàng nhãn riêng và hai bên cùng đứng tên trên sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều chính sách kinh doanh hiện nay đang tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong những năm đầu, các nhà đầu tư “ngoại” được hưởng nhiều ưu ái như được hỗ trợ nhanh chóng các địa điểm tốt để kinh doanh; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc giảm 50% trong vòng 2 năm đầu, trong khi các nhà bán lẻ trong nước mở siêu thị không được hưởng những ưu đãi đó. Nhiều nơi muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên đã dành nhiều ưu tiên cho các nhà đầu tư “ngoại”.
Nhận thức như vậy vô tình đã gạt hệ thống phân phối “nội” ra ngoài cuộc. Khi việc mất cân bằng xảy ra, thì hệ thống phân phối nước ngoài sẽ chi phối mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất nội địa và người tiêu dùng.
- Vậy theo ông cần có những giải pháp gì để phát triển ngành bán lẻ cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước?
Minh bạch thuế siêu thị nội và ngoại
Ông Vũ Vinh Phú: Chính sách hỗ trợ doanh nghiêp “nội” trước hết phải đi từ việc hỗ trợ cho sản xuất, lợi nhuận của người sản xuất và hệ thống phân phối.
Nhà nước có thể hỗ trợ hệ thống phân phối bằng cách xây dựng các tập đoàn mạnh, làm ăn thật và có tiềm lực dẫn dắt thị trường làm đối trọng. Theo tôi, nên ủng hộ một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Saigon Co.op...
Bên cạnh đó, chúng ta cần giảm bớt khâu trung gian và kiểm soát phí chiết khấu vào các hệ thống bán lẻ. Tất cả đều làm được, song cần sự đồng lòng của nhiều nhà: Nhà sản xuất, doanh nghiệp và khoa học.
Chúng ta đã chậm hơn các nước trong phát triển nông nghiệp là thiếu cánh đồng mẫu lớn, thiếu đầu tư sản xuất bằng cơ giới hóa, năng suất không cao, lại hay gặp thiên tai hạn hán khiến hao hụt thu hoạch nông sản của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực.
Nếu không khắc phục các điểm yếu này, lại thêm cách đội giá qua các khâu trung gian, nông sản Việt trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 8 tháng năm 2018:
- Nhiều doanh nghiệp được vinh danh về đóng thuế, vậy cần có chính sách gì để các doanh nghiệp có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước?
Ông Vũ Vinh Phú: Cần công khai, minh bạch thuế của các siêu thị trong và ngoài nước, không chỉ bán lẻ mà còn các mảng nhà hàng, dịch vụ kèm theo để chuyên gia và nhân dân giám sát và tiến tới các siêu thị lớn phải kết nối phần mềm bán hàng thường xuyên với Cục Thuế để kiểm soát doanh thu.
Điều này cũng giúp ngành Thuế dễ làm việc hơn. Đơn cử như ở Trung Quốc, siêu thị bán một cái bút là lập tức thông tin sẽ chuyển ngay về Cục Thuế, còn ở nước ta vẫn đứng yên trong phần mềm bán hàng của siêu thị.
Nhiều đơn vị được tuyên dương về nộp thuế nhưng thực ra doanh nghiệp nộp 10 tỷ đồng tiền thuế chưa chắc đã bằng doanh nghiệp nộp 1 tỷ đồng, bởi thuế phải tính trên doanh thu thì mới rõ lợi nhuận của doanh nghiệp bao nhiêu. Chính sự mờ mịt này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng và các nhà bán lẻ nghiêm chỉnh sẽ bị ép chết, bởi "buôn tài không bằng trốn thuế".
- Xin cảm ơn ông./.