Bộ trưởng Tài chính thứ hai của Malaysia Amir Hamzah Azizan cho rằng, thị trường bán dẫn của ASEAN có tiềm năng vượt 52 tỷ USD vào năm 2032 bằng cách nâng cao chuỗi giá trị.
Phát biểu khai mạc cuộc thảo luận ngày 8/4 với chủ đề “Tạo dựng một quốc gia thông qua hệ sinh thái bổ sung,” một trong những sự kiện bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM-12) và các cuộc họp liên quan được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Bộ trưởng Hamzah cho biết để phát triển thị trường bán dẫn của khu vực, hiện đã đạt hơn 31 tỷ USD vào năm 2023, ASEAN phải hướng tới giá trị chứ không chỉ là khối lượng.
Điều này có nghĩa là phải nâng cao chuỗi giá trị, tập trung vào khâu thiết kế, chế tạo và phát triển sở hữu trí tuệ (IP) ở giai đoạn đầu để ASEAN không chỉ là nơi tập hợp sự đổi mới mà còn là nơi bắt đầu đổi mới.
Ông khẳng định không quốc gia nào có thể đạt được vị trí đáng mơ ước đó một mình. Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ vươn lên nhờ tài năng và Mỹ không chỉ dẫn đầu nhờ vốn. Chính các hệ sinh thái gắn kết, phối hợp và hỗ trợ đã tạo nên sự khác biệt. Do đó, ASEAN phải làm như vậy và ASEAN phải làm cùng nhau.
Theo ông Amir Hamzah, ASEAN có tiềm năng to lớn để định hình chương tiếp theo của câu chuyện bán dẫn toàn cầu vì khối này sở hữu năng lực công nghiệp sâu rộng, đội ngũ kỹ sư lành nghề ngày càng tăng, các trung tâm đổi mới ngày càng hiện đại và khả năng tiếp cận một số thị trường tiêu dùng và doanh nghiệp năng động nhất thế giới.
Ông nhấn mạnh, sức mạnh của ASEAN không nằm ở việc làm cùng một việc ở mọi nơi mà là cùng nhau làm những việc bổ sung cho nhau.

Với sự phối hợp đúng đắn, ASEAN có thể trở thành một khu vực sản xuất chất bán dẫn tích hợp, nhanh nhẹn và sẵn sàng cho tương lai. Tuy nhiên, ASEAN phải sáng suốt trước những khó khăn.
Đánh giá môi trường bán dẫn thực tế, ông cho biết sự sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng địa chính trị gia tăng và các chính sách bảo hộ thương mại đang định hình lại các mô hình sản xuất và thương mại toàn cầu.
Việc Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với các quốc gia có thặng dư thương mại, bao gồm mức thuế 24% đối với hàng xuất khẩu của Malaysia, không phải là một diễn biến riêng lẻ mà là một phần của sự thay đổi lớn hơn hướng tới các chính sách hướng nội hơn.
Tuy nhiên, với ASEAN, động thái này là một bước ngoặt, đòi hỏi sự rõ ràng, phối hợp và quyết tâm chung.
Ông cho rằng phản ứng tốt nhất của ASEAN không phải là rút lui vào chủ nghĩa bảo hộ, mà là giành lợi thế thông qua hội nhập.
Song song với đó, ASEAN phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ủng hộ chủ nghĩa khu vực mở thông qua các khuôn khổ như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời tận dụng tối đa các công cụ như Cơ chế Một cửa ASEAN để giảm thiểu xung đột và xây dựng lòng tin.
Trên thực tế, ông lưu ý, ASEAN đã sản sinh ra hơn 10 “kỳ lân” với tổng giá trị vượt 34 tỷ USD kể từ năm 2012. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực vẫn đang phải hứng chịu tình trạng tiếp cận vốn không đồng đều, thị trường bị phân mảnh và hỗ trợ hạn chế.
Ông so sánh, nếu chất bán dẫn là phần cứng của nền kinh tế trong tương lai thì các công ty khởi nghiệp là hệ điều hành thúc đẩy sự tăng tốc, khả năng thích ứng và đổi mới. Nhưng những ý tưởng táo bạo không thể mở rộng quy mô một cách biệt lập.
Để phát triển, các công ty khởi nghiệp cần có cơ sở hạ tầng của cơ hội: các quy tắc rõ ràng, thị trường mở, mạng lưới đáng tin cậy và các tổ chức phát triển song hành./.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị bán dẫn và AI
Diễn đàn chính sách đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực, nắm bắt cơ hội vàng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu