Thị trấn "ma" hồi sinh nhờ trẻ mồ côi vì bệnh AIDS

Những thị trấn "ma" ở Swaziland đã được hồi sinh nhờ những trại trẻ mồ côi, đón nhận những đứa trẻ có cha mẹ bị bệnh AIDS giết hại.
Thị trấn "ma" hồi sinh nhờ trẻ mồ côi vì bệnh AIDS ảnh 1
Nụ cười đã trở lại với Bulembu (Nguồn: AFP)

Nằm khuất giữa các dãy núi của Swaziland, Bulembu trở thành một thị trấn ma khi các mỏ than địa phương đóng cửa và qua đó cắt nguồn sống ở đây. Nhưng giờ thị trấn đang hồi sinh, nhờ một trại trẻ mồ côi đang đón nhận những đứa trẻ có cha mẹ bị bệnh AIDS giết hại. "Những đứa trẻ bị bỏ rơi, có thể người ta thả chúng vào những túi nhựa và để lại bên lề đường, hoặc vứt trong nhà vệ sinh," Zanele Maseko, lãnh đạo trại trẻ mồ côi kể trên, cho biết. "Cảnh sát từng mang tới cho tôi một đứa trẻ bị chôn sống. Nhưng giờ bé đã trở thành một cô gái trưởng thành". Swaziland là nơi có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới, với khoảng 1/4 người mang bệnh. Một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở đây đã khiến đất nước này không thể có tiền để chi trả cho việc mua thuốc điều trị cho các nạn nhân HIV/AIDS và giáo dục trẻ mồ côi do cha mẹ bị AIDS giết chết. Khoảng 120.000 đứa trẻ đã trở thành mồ côi vì AIDS tại đất nước nằm ở nam châu Phi này, chiếm khoảng 10% tổng dân số. Những con số đáng sợ đó khiến doanh nhân người Canada Volker Wagner quyết định mua lại toàn bộ thị trấn Bulembu hồi năm 2006, 5 năm sau khi nó bị bỏ hoang, và giao thị trấn cho một tổ chức từ thiện Thiên Chúa giáo ở Canada để họ biến nó thành trại trẻ mồ côi. Giờ họ đã có một cộng đồng nhỏ phát triển quanh trại trẻ mồ côi, với số lượng lên tới 303 đứa trẻ, tuổi đời dao động từ 2 tuần tới 21 tuổi. "Với tình hình tài chính hiện nay, chúng tôi tin Bulembu có thể tồn tại cho tới năm 2020 với khoảng 1.000 đứa trẻ nằm dưới sự chăm sóc của chúng tôi" - Andrew Le Roux, Giám đốc điều hành Bulembu Ministries Swaziland, cơ quan đã phụ trách điều hành dự án từ thiện thay Wagner - "Nhưng đó chỉ là con số tối thiểu và khi chúng tôi ở rộng các hoạt động kinh doanh, số lượng sẽ theo đó tăng lên. Chúng tôi tin 2.000 là số lượng trẻ tối đa mà nơi này có thể đón nhận". Ý tưởng của Wagner là biến Bulembu trở thành cộng đồng có thể tự tồn tại. Các lãnh đạo của cộng đồng, phần lớn là người Nam Phi da trắng, muốn đào tạo những người Swazi để họ có thể tự điều hành cộng đồng. Bulembu hiện bán gỗ, sữa, bánh mỳ, mật ong, nước khoáng và quà lưu niệm cho khách tham quan. Những hoạt động kinh doanh này giúp hàng trăm người có việc làm và doanh thu có được đã hỗ trợ 45% hoạt động của thị trấn. Khoản tiền còn lại tới từ các nhà hảo tâm tư nhân, chủ yếu tới từ Canada. Hiện thị trấn đang xây dựng một bảo tàng, một nhà nghỉ cho du khách và các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên thế giới tới giúp đỡ cộng đồng ở đây. Khu vực vốn dành cho các lao động ở mỏ than, nay đã được sửa sang để lũ trẻ, người chăm sóc chúng và các thành viên trong dự án sinh sống. Nhiều tòa nhà cũ đã xuống cấp và cần được tu sửa. Nhưng chúng hứa hẹn khả năng mở rộng thêm thị trấn. Bulembu hiện có 1.400 người sinh sống, vẫn còn khiêm tốn so với mức 10.000 người thời cực thịnh. Bệnh viện của khu mỏ đã được chuyển thành trường trung học. Một trung tâm đào tạo việc làm cũng được dựng lên, nhằm giúp các thanh niên tham gia lĩnh vực du lịch. Chính quyền Swazi cũng hứa sẽ xây cho vùng này một trường đại học kỹ thuật nhỏ. Các trường này, kể từ mẫu giáo trở đi, hoạt động xung quanh một hệ thống điểm thưởng. Những đứa trẻ mồ côi không có tiền, nhưng vẫn có thể "mua" các món đồ lặt vặt bằng điểm thưởng mà các em có được từ việc được điểm tốt trong học tập, hoặc giữ cho nơi ăn ở sạch sẽ. "Chúng tôi muốn mọi đứa trẻ phải giỏi giang trong việc các em làm" - Dennis Neville, lãnh đạo hoạt động giáo dục ở trại trẻ nói - "Mục tiêu của chúng tôi là trao cho các em một tương lai, một hy vọng. Điều chúng tôi đang cố làm là chuẩn bị để các em trở thành những công dân tốt, những nhân vật có thể bước vào vai trò lãnh đạo. Chúng tôi muốn những đứa trẻ của mình trở thành lãnh đạo đất nước./.

Tin cùng chuyên mục