Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Đề thi có tính phân hóa cao hơn nhưng không khó hơn

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục khẳng định đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 có tính phân hóa cao hơn nhưng không khó hơn.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có tính phân hóa cao hơn nhưng không khó hơn là khẳng định của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm mới của kỳ thi

- Thưa ông, đâu là những điểm mới của đề thi Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà: Đề thi Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 có một số điểm quan trọng như sau.

Thứ nhất kỳ thi có thêm định dạng câu hỏi mới là câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn.

Thứ hai, đây là năm đầu tiên tổ chức thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay cho chương trình 2016 nên yêu cầu về kiểm tra, đánh giá năng lực của người học được đặt lên hàng đầu.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định là đề thi sẽ phát huy trí tuệ toàn ngành và có tính mở. Vậy thì tính mở ở đây được hiểu như thế nào trong vấn đề xây dựng ngân hàng đề thi, cách ra đề cũng như việc bảo mật đề thi?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà: Nếu trước đây, việc xây dựng câu hỏi thi từ đầu đến cuối đều là bí mật tuyệt đối và được thực hiện bởi một số cá nhân nhất định thì bây giờ trên tinh thần phát huy sức mạnh của toàn ngành.

Cụ thể, những câu hỏi hay, những bài thi tốt được các địa phương sử dụng và đã có kết quả thử nghiệm sẽ được lựa chọn đưa vào thư viện câu hỏi thi. Với cách thức này, giáo viên và học sinh hoàn toàn có thể tìm hiểu, tham khảo đề thi ở các địa phương khác nhau. Đó là tính mở.

Tuy nhiên, từ thư viện cho đến đề thi sẽ phải thực hiện thêm các khâu mà đã có quy trình chuẩn như đã thực hiện nhiều năm nay, đảm bảo tính bảo mật của đề thi.

- Với định hướng trên, trong việc xây dựng thư viện câu hỏi thi thì việc tập huấn ra đề cho giáo viên rất quan trọng. Ông có thể cho biết hiện công tác tập huấn giáo viên việc phục vụ việc ra đề thi đã và sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà: Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn luôn đặt nhiệm vụ tập huấn cho giáo viên là hết sức quan trọng. Chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông 2025, ngay từ năm 2023, Bộ đã triển khai tập huấn về công tác khảo thí cho hơn 3.000 cán bộ, giáo viên của các sở giáo dục đào tạo, đại học.

Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục có các đợt tập huấn trọng tâm về công tác biên soạn đề thi theo định hướng dạng cấu trúc mới.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

- Ngân hàng đề thi sẽ được xây dựng trên cơ sở tập hợp các câu hỏi kiểm tra, khảo sát của trường, sở gửi về Bộ. Tuy nhiên, hiện chương trình lớp 12 chưa được triển khai, các nhà trường vì vậy chưa có hệ thống các câu hỏi để Bộ có thể tập hợp. Bộ sẽ khắc phục khó khăn này trong năm đầu tiên tổ chức thi theo chương trình mới như thế nào để đảm bảo vẫn có đề thi chất lượng?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà: Chúng tôi đã tính toán tới tình huống này. Trên thực tế, khi xây dựng đề thi chúng ta có nhiều cách thức. Một giải pháp được tính đến là sử dụng đội ngũ chuyên gia. Bộ sẽ mời các chuyên gia là những người vừa am hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 vừa có thực tiễn giảng dạy như những người biên soạn chương trình, biên soạn sách, người tham gia hội đồng thẩm định sách, đặc biệt là những thầy cô tham gia tập huấn cho các giáo viên dạy chương trình mới… để họ đề xuất câu hỏi thi.

Như vậy, dù chưa phổ biến sách giáo khoa mới, chưa có các học sinh học lớp 12 chương trình mới nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động soạn thảo các câu hỏi để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi của lớp 12 ngay từ bây giờ.

Tăng tính phân hóa

- Các em học sinh lớp 11 của năm học này sẽ là lứa đầu tiên thì chương trình tự thi tốt nghiệp năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng các em cũng có tới 9 năm học theo chương trình cũ. Chương trình mới cũng có nhiều sách giáo khoa khác nhau. Vậy các thầy cô giáo và các em sẽ cần lưu ý gì để học và thi đạt kết quả tốt, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà: Chúng tôi cũng đã tính toán việc đó và phải đảm bảo tính kế thừa sao cho không thay đổi quá nhiều. Ví dụ như trong cấu trúc đề thi vẫn có một phần định dạng câu hỏi trắc nghiệm truyền thống bên cạnh các dạng trắc nghiệm mới.

Về vấn đề sách giáo khoa, chương trình mới có nhiều sách khác nhau nhưng đều phải đạt chuẩn chương trình môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung thi liên quan mật thiết tới các yêu cầu cần đạt. Điều này chúng ta đã thực hiện trong thời gian dài vừa qua.

Vì vậy, cho dù đề thi sử dụng ngữ liệu, thể hiện cấu trúc, định dạng thế nào, cách thức hỏi ra sao nhưng tất cả đều phải dựa trên cơ sở các yêu cầu cần đạt đối với từng môn một trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Do vậy, trong quá trình dạy và học, các thầy cô nên bám sát các yêu cầu này, các em học sinh học tốt, học kỹ, học đủ theo những nội dung kiến thức mà các thầy cô đã giảng dạy trên lớp.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Vậy tính phân hóa của đề thi sẽ được tính toán, thể hiện như thế nào trong đề thi, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà: Một trong ba mục tiêu của kỳ thi là các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Đối với Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, chúng tôi cũng đã nghiên cứu tập trung sao cho chất lượng đề thi có tính phân hóa cao hơn nữa nhưng không khó hơn vì nếu tăng độ khó thì tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm xuống.

Tăng độ phân hóa thuộc phân khúc điểm trên 5 để đánh giá được đúng những em nào là xuất sắc, giỏi mới có thể đạt điểm 9,10, học sinh khá có thể tiếp cận mức điểm 7, 8.

Việc phân hóa sẽ dựa trên hai yếu tố: Thứ nhất là về kỹ thuật, cụ thể là định dạng đề thi với các câu trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn với các mức độ điểm khác nhau cho các câu trả lời, làm giảm tính xác suất, cùng câu hỏi nhưng yêu cầu học sinh phải có nền tảng kiến thức tốt, toàn diện mới có thể đạt điểm số tối đa. Kết quả thử nghiệm ban đầu trên 10.000 học sinh đã xác nhận điều đó.

Thứ hai là câu hỏi hướng đến đánh giá năng lực học sinh, khả năng vận dụng kiến thức giải quyết bài toán thực tiễn chứ không phải những câu hỏi khó mang tính đánh đố. Những kiến thức này gắn với chương trình, những yêu cầu cần đạt.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục