Lần đầu Thanh tra Chính phủ tham gia Ban chỉ đạo Thi tốt nghiệp THPT

Thi tốt nghiệp THPT: Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn

Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong việc tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, đảm bảo không để thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: PV)

Hôm nay, ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Theo đó, lần đầu tiên, Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia Ban chỉ đạo thi quốc gia của kỳ thi. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban ngành cùng vào cuộc để hỗ trợ thí sinh, đảm bảo không thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn.

Chỉ thị chỉ rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về Kỳ thi. Bộ có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; ra đề thi; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung; tổ chức thanh kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi để đảm bảo an toàn, nghiêm túc.

[Danh sách máy tính bỏ túi được đem vào phòng thi tốt nghiệp THPT]

Sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc;

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực tiếp là chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi trên địa bàn bao gồm: đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi (riêng bài thi trắc nghiệm chấm trên máy tính bằng phần mềm dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo), thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi; phân tích dữ liệu về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh của địa phương; xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng;

Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí ngân sách để tổ chức Kỳ thi.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Chỉ thị cũng chỉ rõ vai trò của các bộ ngành khác trong công tác tổ chức kỳ thi, nhằm đảm bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong kỳ thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục