Thi tốt nghiệp THPT: Giáo viên luyện thi chỉ bí kíp 'ăn điểm' môn Toán

Với kinh nghiệm hàng chục năm ôn luyện thi cho các học sinh trên khắp cả nước, thầy Lê Bá Trần Phương đã chỉ ra những lỗi thường gặp và chiến thuật làm bài môn Toán hiệu quả.
Thầy Lê Bá Trần Phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ còn một tuần nữa, hơn một triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2021. Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện cho các học sinh khắp cả nước, thầy Lê Bá Trần Phương, giáo viên môn Toán thuộc Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã chia sẻ một số lời khuyên hữu ích giúp các thí sinh ôn tập và làm bài thi môn Toán một cách hiệu quả trong giai đoạn nước rút.

Nắm chắc lý thuyết để giải nhanh 35 câu hỏi đầu tiên

Thầy Lê Bá Trần Phương cho hay, theo cấu trúc của đề tham khảo môn Toán Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đề thi sẽ gồm 50 câu trắc nghiệm. Trong số đó, khoảng 35 câu hỏi đầu tiên ở mức độ nhẹ nhàng và 15 câu sau có độ khó tăng dần nhằm mục đích phân loại học sinh.

Đề thi sẽ có khoảng 9 điểm thuộc về kiến thức lớp 12 và 1 điểm dành cho phần kiến thức lớp 11. Đối với phần kiến thức lớp 12, nội dung câu hỏi được bao phủ toàn bộ trong sách giáo khoa. Phần kiến thức lớp 11 chỉ tập trung vào các phần cơ bản là cấp số cộng, cấp số nhân, xác suất, tính góc, tính khoảng cách.

Theo kinh nghiệm luyện thi của thầy Phương, thí sinh chỉ cần học chắc lý thuyết, chương trình cơ bản trên lớp là có thể hoàn thành được 35-38 câu hỏi đầu tiên trong vòng 50 phút.

Các câu còn lại có tính chất phân loại theo mức bậc thang. Với những câu hỏi này, học sinh cần chú trọng bao gồm một số dạng toán về hàm chứa giá trị tuyệt đối và hàm hợp (liên quan đến cực trị, tính đơn điệu,...); bài toán chứa tham số liên quan đến phương trình-bất phương trình mũ và logarit; bài toán liên quan đến min-max mođun số phức; bài toán cực trị hình Oxyz…

“Các câu hỏi khó cũng có xu hướng tích hợp, lồng ghép từ hai đến ba nội dung kiến thức. Vì vậy, học sinh phải biết huy động, tổng hợp, xâu chuỗi kiến thức và có tầm nhìn, tư duy tốt thì mới có thể giải quyết được,” thầy Phương cho hay.

Chia sẻ về chiến thuật làm bài hiệu quả, thầy Phương khuyên thí sinh nên làm tuần tự các câu hỏi từ đầu đến cuối đề thi do các câu hỏi đã được sắp xếp sẵn theo thứ tự tăng dần về độ khó.

Trường hợp gặp câu hỏi khó, chưa làm được, thí sinh có thể tạm thời bỏ qua, làm câu tiếp theo nhưng cần đánh dấu lại ra giấy nháp để không bỏ quên. Sau khi làm hết các câu dễ mới quay trở lại dành thời gian giải quyết các câu khó còn lại.

Cũng theo thầy Phương, có những câu hỏi không cần giải chi tiết, chỉ cần loại trừ được các phương án nhiễu là có thể tìm ra đáp án đúng. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi có thể áp dụng phương pháp loại trừ trong đề thi không nhiều. Do đó khi làm bài, học sinh cần chú ý quan sát để có phương pháp làm bài nhanh và hiệu quả.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

“Chỉ có những thí sinh thực sự xuất sắc mới có thể giải hết 50 câu hỏi trong đề thi. Còn đa số học sinh đều chỉ giải quyết đến câu 44-45 nên nếu gặp một câu hỏi khó, thí sinh cũng không nên mất bình tĩnh, làm ảnh hưởng tâm lý khi làm các câu tiếp theo. Với các câu hỏi khó, nếu không tìm ra cách giải, các em có thể sử dụng phương án loại trừ. Trường hợp không thể đưa ra phương án chính xác phải dùng đến biện pháp ‘cầu may’ chứ tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào trong đề thi”, thầy Phương nhấn mạnh.

4 lỗi sai thường gặp và cách khắc phục

Theo thầy Phương, trong quá trình làm bài thi, thí sinh thường gặp một số lỗi sai dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc.

Lỗi sai thứ nhất là học sinh không đọc kỹ đề hoặc đọc nhầm đề dẫn đến lựa chọn đáp án sai. Để khắc phục điều này, trước khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề để biết rõ đề bài cung cấp những thông tin gì và yêu cầu như thế nào, từ đó xác định hướng giải quyết vấn đề đã đặt ra.

[Thi tốt nghiệp THPT: Sẵn sàng kịch bản cho các tình huống]

Lỗi sai thứ hai là học sinh không nhớ hoặc nhớ sai công thức dẫn đến việc áp dụng sai và không tìm ra được phương án chính xác. Để khắc phục lỗi này, học sinh cần hệ thống lại toàn bộ công thức đã học. Đối với những công thức còn chưa chắc chắn và hay bị nhầm lẫn, thầy Phương khuyên học sinh hãy rà soát, ghi riêng lại và có biện pháp ghi nhớ bổ sung thật kỹ trước khi bước vào kỳ thi.

Lỗi sai thứ ba là tính toán chưa chuẩn. Đây là lỗi mà rất nhiều học sinh thường xuyên gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình học tập và ôn luyện nhiều bạn học sinh lười tính toán, lạm dụng máy tính cầm tay. Do đó, khi gặp những câu hỏi hạn chế đòi hỏi học sinh phải có động tác tính tay phụ trợ thì các em rất dễ tính sai.

Với lỗi sai này, cách khắc phục là tăng cường luyện tập các bài toán đòi hỏi phải tính toán tay hoặc bài toán có chứa tham số để nhằm nâng cao tư duy và trau dồi kỹ năng tính toán thành thạo. Đồng thời, sau khi giải xong mỗi bài tập, thí sinh cũng cần phải tính toán lại một lần nữa để kiểm tra độ chính xác của đáp án.

Và lỗi cuối cùng không ít thí sinh đã gặp phải đó là tâm lý trong phòng thi không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do thí sinh quá căng thẳng khiến đầu óc không minh mẫn, tư duy không sáng và sẽ dẫn đến việc các em có thể sẽ tính nhầm, tính sai. 

“Để hạn điều này, từ nay cho đến ngày thi, học sinh cần xây dựng chế độ ôn luyện khoa học, chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe tinh thần và trí óc. Khi đến ngày thi, các em nên giữ cho mình một tâm trạng vui vẻ, bình tĩnh. Trong phòng thi, thí sinh nên cố gắng tập trung làm bài, tin tưởng vào bản thân. Đặc biệt, các em đừng quá quan tâm đến những yếu tố xung quanh như thí sinh khác đang làm gì và phải xem thời gian làm bài để tránh việc bị áp lực hoặc phân tâm,” thầy Phương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục