Thi tốt nghiệp THPT 2014: Học sinh khó… trượt?

Nếu như những năm trước, điểm thi bình quân dưới 5 thì học sinh sẽ trượt tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng năm nay, có thể chỉ 3, 4 điểm các em vẫn đỗ.

Năm 2014, cách xét công nhận tốt nghiệp của học sinh sẽ hoàn toàn mới. Nếu như mọi năm, việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp thì năm nay, điểm thi này chỉ chiếm trọng số 50%, 50% còn lại là điểm học lực của thí sinh trong năm lớp 12. Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp bằng điểm trung bình của bốn bài thi cộng điểm tổng kết năm lớp 12 rồi chia đôi, cộng thêm điểm khuyến khích chia 4 (nếu có).

Một điểm cũng có thể đỗ tốt nghiệp?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh Trần Trung Dũng cho biết, dù cách xét tốt nghiệp này sẽ góp phần làm giảm áp lực của kỳ thi, nhưng ông vẫn rất băn khoăn với cách xét công nhận tốt nghiệp này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Bộ quy định học sinh có tối đa bốn điểm khuyến khích (dành cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi các cấp, học sinh có chứng chỉ học nghề trong trường phổ thông...), nếu chia 4 các em đã được 1 điểm, còn thiếu 4 điểm để đỗ tốt nghiệp.

Nếu điểm trung bình lớp 12 là 7 điểm, thi tốt nghiệp mỗi môn chỉ cần 1 điểm thì bình quân vẫn được 1 điểm, cộng với 7 điểm ở trên rồi chia đôi là đủ 4 điểm còn thiếu.

“Đây có thể chỉ là trường hợp cá biệt nhưng không thể không tính tới vì nó vẫn có khả năng xảy ra trên thực tế. Và khi xảy ra thì sẽ khá buồn cười,” ông Dũng nói.

Theo đó, vị Giám đốc sở này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính toán lại kỹ lưỡng hơn hoặc có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể hơn.

Chung lo lắng này nhưng nhìn ở góc độ khác, Phó Giáo sư Văn Như Cương cho rằng với phương án này của Bộ, ông dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ có thể lên đến 99,9% vì các em có khó lòng trượt tốt nghiệp.

Phân tích cụ thể, ông Cương cho biết, năm ngoái học sinh phải thi 6 môn, không được tự chọn, nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã là 98%. Năm nay chỉ thi 4 môn, lại được chọn môn mình học tốt nhất, tỷ lệ đó ít nhất cũng phải tăng lên được 1%. Trong khi đó điểm thi lại chỉ chiếm 50% trọng số xét tốt nghiệp. Nếu một học sinh thi có điểm tổng kết năm học là 6 điểm thì chỉ cần thi mỗi môn đạt khoảng 4 điểm là đủ đỗ, chưa tính điểm khuyến khích.

Cung theo Phó Giáo sư Văn Như Cương, để đạt 6 điểm tổng kết ở lớp 12 không khó, chưa kể việc tiêu cực có thể phát sinh. Điểm tổng kết năm học được tính bằng điểm học kỳ 2 nhân đôi, cộng điểm tổng kết học kỳ 1, tất cả chia ba. Như vậy, điểm ở học kỳ 2 có vai trò quyết định và bây giờ mới là đầu học kỳ 2.

“Giáo viên chỉ ra đề kiểm tra thoáng hơn một chút là điểm của học sinh sẽ nhỉnh lên dễ dàng. Những em nằm trong diện “nguy hiểm” sẽ được chú ý hơn, du di để điểm tổng kết lên khoảng 6, 7 điểm thì không lo gì trượt tốt nghiệp. Điều này cũng không ai bắt bẻ được. Cần phải biết rằng bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn rất nặng,” ông Cương nói.

Thi tốt nghiệp THPT 2014: Học sinh khó… trượt? ảnh 1Giờ học của cô trò trường Trung học phổ thông Quang Trung, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bộ cần cân nhắc hơn

Với những băn khoăn trên, Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng Bộ nên cân nhắc hơn nữa trong việc thực hiện xét tốt nghiệp. Những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lên đến 98% đã khiến dư luận nghi ngờ giá trị thực của nó. Cũng nhiều người đặt câu hỏi với tỷ lệ gần 100% đó liệu có cần duy trì một kỳ thi? Với phương án thi tốt nghiệp trên của Bộ, câu hỏi trên sẽ còn mạnh mẽ hơn sau kỳ thi năm nay. “Bộ nên giữ cách xét tốt nghiệp như năm ngoái, bỏ điểm tổng kết lớp 12 ra ngoài,” ông Cương kiến nghị.

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam lại đề xuất Bộ nên lấy cả điểm tổng kết các năm lớp 10, 11 để xét đỗ tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp sẽ bằng điểm tổng kết ba năm học, cộng điểm của các bài thi, tất cả chia 7, sau đó cộng thêm điểm khuyến khích. “Cách này sẽ đánh giá được cả quá trình học tập của học sinh trong 3 năm học và ít xảy ra tiêu cực hơn,” ông Thắng lý giải.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thông tin chi tiết liên quan đến kỳ thi sẽ được Bộ nêu rõ trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông và sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất, trong đó có tính tới các phương án để giảm thiểu tối đa những tiêu cực.

“Tuy nhiên, việc xét tốt nghiệp theo hướng kết hợp kết quả thi và quá trình học là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để có một kỳ thi nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng,” ông Trinh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục